Sự kiện

Các tỉnh, thành phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Kể từ 0h ngày 19/7 đến hết 1/8, nhiều tỉnh, thành phía Nam sẽ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh để phòng chống dịch Covid-19.

Ngày 18/7, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành ký quyết định về việc áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, toàn tỉnh Kiên Giang sẽ thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày, kể từ 0h ngày 19/7 đến hết 1/8 theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình; ấp cách ly với ấp; xã, phường, thị trấn cách ly với xã, phường, thị trấn; huyện, thành phố cách ly với huyện, thành phố; tỉnh cách ly với tỉnh.

UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang đúng quy định, tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, bắt buộc thực hiện khai báo y tế đầy đủ và kịp thời.

Đồng thời, tạm dừng triệt để các hoạt động không cần thiết, các dịch vụ không thiết yếu.

Công tác kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 được tăng cường tại các chốt.

Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động như: Lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, điện, nước, nhiên liệu; dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổ chức cho tất cả người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại đơn vị mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Tuân thủ nghiêm nguyên tắc cách ly trong tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Khẩn trương đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện có liên quan để triển khai ngay phương châm “3 tại chỗ”. Trường hợp không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định thì phải dừng hoạt động.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, trên cơ sở đánh giá mức độ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để đưa ra quyết định.

Trường hợp cho phép hoạt động phải đảm bảo việc thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch (khuyến cáo 5K của Bộ Y tế), có phân luồng lối vào/lối ra để kiểm soát phòng chống dịch...

UBND tỉnh Kiên Giang Yêu cầu toàn thể nhân dân trong tỉnh tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch.

Người bán vé số, người lao động tự do ảnh hưởng do dịch Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ.

Liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, An Giang cũng thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh kể từ 0h ngày 19/7 đến hết ngày 1/8 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan trong tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định trong công tác phòng chống dịch.

Hiện, ngành chức năng các tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL cũng đã có kế hoạch chăm lo công tác an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

16 tỉnh, thành phía Nam áp dụng giãn cách xã hội

Trước đó, ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 16 tỉnh, thành phía Nam từ 0h ngày 19/7 trong 14 ngày để chống dịch.

Theo đó, ngoài 3 tỉnh, thành đang áp dụng Chỉ thị 16 là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai sẽ có thêm 16 tỉnh, thành giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch gồm: TP.Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.

Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7.

Đối với tỉnh, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày có văn bản này, căn cứ diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền trước khi quyết định việc tiếp tục thực hiện thời gian giãn cách như đã quyết định hoặc kéo dài thời gian giãn cách như các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên.

Vấn đề bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế cũng được Thủ tướng yêu cầu “không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu”, phải bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.

Thủ tướng lưu ý kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong”; xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền. Cùng với đó, ông yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, yêu cầu về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không để xảy ra các trường hợp tụ tập đông người.

Trong điều kiện phòng chống dịch cấp bách do chủng virus mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường và còn nhiều khó khăn về điều kiện đảm bảo, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh quan điểm “sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”.

Thanh Lâm