Sự kiện

Các tỉnh miền Tây sẽ đồng loạt đón người dân từ TP.HCM về quê

Trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM, nhiều tỉnh miền Tây lên kế hoạch sẵn sàng đón người dân về quê nhằm giúp đảm bảo ổn định cuộc sống.

Ngày 31/7, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND-MTTQ đón công dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trở về từ TP.HCM.

Kế hoạch nêu rõ, mục đích việc đón nhận công dân tỉnh Trà Vinh gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM có nhu cầu cấp thiết trở về Trà Vinh.

Khi về đến Trà Vinh, công dân thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định. Các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan tích cực phối hợp, chủ động, thống nhất, đồng bộ, kịp thời, an toàn.

Theo đó, đối tượng, điều kiện và phương thức vận chuyển được quy định là công dân có hộ khẩu và nhà ở tại Trà Vinh, đang lao động, học tập tại TP.HCM, nhưng không đang ở trong các khu phong tỏa, khu cách ly.

Người dân đăng ký cần có nhu cầu chính đáng, cấp thiết về tỉnh trong thời điểm hiện tại; chấp hành và làm đủ thủ tục y tế tại nơi xuất phát trở về.

Văn bản của UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, điều kiện tiếp nhận công dân là phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với virus SARS-CoV-2 (còn giá trị trong 72h) hoặc trước thời điểm khởi hành trở về Trà Vinh.

Đồng thời, người dân cần tự giác khai báo y tế trên tờ khai y tế, cam kết không phải là F1, F2 từ các ca bệnh Covid-19, cam kết chấp hành mọi quy định chống dịch tại địa phương.

Chi phí ăn uống, sinh hoạt và các chi phí phát sinh trong khu cách ly khi về đến địa phương do người bị cách ly tự chi trả (trừ các đối tượng được hỗ trợ theo quy định). Về số lượng tiếp nhận người về sẽ dựa vào năng lực tiếp nhận, cách ly, điều trị của từng địa phương tại Trà Vinh.

Sau thời gian đăng ký, từ ngày 1–6/8, các đơn vị tại Trà Vinh sẽ phối hợp Ban Liên lạc Hội đồng hương Trà Vinh tại TP.HCM sàng lọc đối tượng theo diện ưu tiên để tổ chức các đợt đón công dân về tỉnh nhà.

Trong khi đó, tỉnh Hậu Giang cũng vừa có Kế hoạch số 317 về việc hỗ trợ đón công dân của tỉnh từ TP.HCM có nguyện vọng về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đối tượng là các công dân của tỉnh đang học tập, lao động tại TP.HCM, không thuộc đối tượng F0, đang gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 và có nguyện vọng trở về địa phương.

Công tác hỗ trợ tiếp nhận và đưa công dân trở về tỉnh Hậu Giang phải đảm bảo đủ 3 điều kiện.

Một là thực hiện đăng ký theo mẫu hướng dẫn của sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang. Hai là được sự thống nhất của cơ quan chức năng tại TP.HCM, nơi công dân tỉnh Hậu Giang đang cư trú. Và ba là phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72h. 

Đợt 1 dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 3–4/8 với số lượng tiếp nhận khoảng từ 200 đến 300 người. Đợt 2 dự kiến từ ngày 11-12/8 với số lượng tương đương.

Sau khi thống nhất với các cơ quan chức năng tại TP.HCM, sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang sẽ thông báo đến công dân thời gian, địa điểm chính thức.

Sau khi công dân về tỉnh sẽ được đưa về khu cách ly tập trung tại trường đại học Cần Thơ (khu Hòa An), xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang với thời gian cách ly tập trung thực hiện theo quy định.

Người dân chi trả chi phí trong thời gian cách ly tập trung. Các khoản chi phí còn lại (phương tiện vận chuyển, lực lượng phục vụ, …) được chi từ nguồn ngân sách tỉnh.

Trong khi đó, tỉnh Sóc Trăng đang thảo luận phương án tiếp nhận công dân từ TP.HCM, Bình Dương về địa phương.

Địa phương có tổng số 85 khu cách ly. Hiện tại, 74 cơ sở đã xây dựng hoàn chỉnh có khả năng tiếp nhận 7.234 công dân, đang cách ly 2.592 công dân. Sắp tới, tỉnh Sóc Trăng dự kiến mở thêm 9 khu cách ly với công suất tiếp nhận 1.100 công dân.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá: “Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại TP.HCM nên người dân mong muốn trở về địa phương.

Do đó, phải tổ chức đón người dân Sóc Trăng quá khó khăn, không còn điều kiện bảo đảm cuộc sống ở TP.HCM và một số tỉnh có dịch về địa phương để ổn định cuộc sống”.