Tiêu điểm

Các quốc gia và tổ chức tăng cường viện trợ cho Ấn Độ

Tình hình đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ trở thành mối quan tâm của toàn cầu. Lúc này, các nỗ lực quốc tế đang được đẩy nhanh nhằm hỗ trợ Ấn Độ vượt qua dịch bệnh.

Theo Nhà Trắng và các quan chức cấp cao, chính quyền Tổng thống Biden và Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ vận chuyển vật tư hỗ trợ cho Ấn Độ, bao gồm máy trợ thở, thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), bộ dụng cụ chẩn đoán nhanh và phác đồ điều trị.

Theo các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, "Mỹ cũng đang cố gắng dự trữ nguồn oxy và các nguồn cung cấp liên quan phòng trường hợp khẩn cấp”.

Đầu năm nay, Mỹ công bố lệnh cấm tạm thời xuất khẩu các nguyên liệu thô quan trọng cho sản xuất vắc-xin. Quyết định gây tranh cãi này có nghĩa là các nhà sản xuất vắc-xin trên toàn thế giới, trong đó có Viện Serum Ấn Độ (SII), phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 và buộc phải tìm các nguồn cung khác.

Lệnh cấm đã phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng gia tăng, khi làn sóng Covid thứ hai tại Ấn Độ tăng cao trong khi tại Mỹ, tình hình đang dần được cải thiện với các chương trình tiêm chủng hiệu quả.

Giám đốc điều hành của SII, ông Adar Poonawalla, vào ngày 16/4 đã trực tiếp kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden thay đổi quyết định khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Hôm Chủ nhật, Nhà Trắng tuyên bố sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm và tuyên bố "các nguyên liệu cụ thể cần thiết để sản xuất vắc-xin ngay lập tức sẽ được chuyển tới Ấn Độ".

Người dân đọc thông tin về việc cạn kiệt vắc-xin 

Vào hôm Chủ nhật, Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết việc gửi vắc-xin đến Ấn Độ "có được đề cập tới trong bàn đàm phán", dù ông này không đưa ra lịch trình hoặc kế hoạch cụ thể nào cho động thái này.

Ông cũng cảnh báo rằng mặc dù tình hình dịch bệnh của Mỹ có vẻ như đang trên đà phục hồi với các trường hợp mắc bệnh đang dần ổn định và lượng vắc-xin dự trữ tăng thì virus này vẫn là vấn đề toàn cầu.

Ấn Độ cũng đang phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Đức và dự kiến số hàng này sẽ được vận chuyển đến Ấn Độ trong vòng một tuần. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết hôm thứ Sáu rằng nguồn cung sẽ được triển khai cho các bệnh viện quân sự điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Ở Brussels (Bỉ), Ủy ban Châu Âu cho biết đã lên kế hoạch gửi các bình oxy và thuốc men tới Ấn Độ. Chủ tịch Ursula von der Leyen cho biết tổ chức này đang "tìm kiếm các nguồn lực để đáp ứng nhanh chóng yêu cầu viện trợ của Ấn Độ".

Chuyến hàng viện trợ đầu tiên đã rời Anh vào hôm Chủ nhật tuần trước. Chuyến tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

Hàng viện trợ bao gồm 495 máy thở có thể chiết xuất oxy từ không khí trong trường hợp hệ thống oxy của bệnh viện cạn kiệt, cùng với đó 120 máy thông khí và 20 máy thông gió.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một tuyên bố cho biết: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ấn Độ với tư cách là một người bạn và là đối tác trong cuộc chiến chống lại Covid-19”.

Sau khi nhận được yêu cầu cứu trợ từ Delhi, Ủy ban châu Âu đang tìm cách gửi các bình chứa oxy và thuốc men đến Ấn Độ.

Chủ tịch ủy ban Ursula von der Leyen đã viết trên Twitter hôm Chủ nhật rằng: "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Ấn Độ".

Hôm thứ Ba, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đang đẩy nhanh các nỗ lực hỗ trợ Ấn Độ khi các bệnh viện tại đây đang phải vật lộn để đối phó với sự gia tăng mạnh mẽ của các trường hợp nhiễm virus Corona, bao gồm gửi bình oxy và các vật tư thiết yếu khác.

Phát ngôn viên của WHO Tarik Jasarevic cho biết: "Chúng tôi đang hợp tác với chính phủ để gửi các nguồn cung thiết yếu như oxy giúp cải thiện tình hình hiện tại”.

Ông cho biết WHO đã gửi viện trợ 4000 máy thở oxy tới Ấn Độ. Cùng với đó, các bệnh viện di động và phòng xét nghiệm Covid-19 đang được thiết lập.

Ông kêu gọi mọi người ngưng tích trữ các vật dụng thiết yếu. Việc phân phối rộng rãi các loại khẩu trang chất lượng cao cũng là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh.

Liên Hợp Quốc cho biết, hơn 2.600 chuyên gia của WHO hiện đang công tác tại các chương trình y tế khác cũng được triển khai để đối phó với đại dịch.

Theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Pakistan, nước này tuyên bố sẽ hỗ trợ Ấn Độ để thể hiện tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan trong một bài phát biểu cho biết: "Chúng tôi muốn thể hiện sự đoàn kết với người dân Ấn Độ đang phải chiến đấu với Covid-19. Chúng tôi cầu nguyện cho tất cả người bệnh sẽ hồi phục nhanh chóng. Chúng ta đang phải cùng nhau chiến đấu chống lại với thách thức toàn cầu này."

Các gã khổng lồ công nghệ Microsoft và Google cũng đã hỗ trợ cho Ấn Độ các nguồn cung y tế cũng như máy trợ thở.

Đặng Vân (Theo CNN, BBC, Reuters)