Thế giới

Các quốc gia Tây Phi đe dọa can thiệp quân sự ở Niger

Các nhà lãnh đạo của Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) tuyên bố, ông Bazoum là người duy nhất được công nhận là Tổng thống của Niger.

Các nhà lãnh đạo của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) hôm 30/7 đã ra lệnh cho lực lượng đảo chính quân sự ở Niger trả tự do ngay lập tức và phục chức cho ông Mohamed Bazoum với tư cách là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ hợp pháp của Niger trong vòng một tuần.

Ông Bazoum đã bị quân đội bắt giữ kể từ ngày 26/7 và bị phế truất ngay sau đó. Ngày 28/7, Tướng Abdourahmane Tiani, người đứng đầu lực lượng bảo vệ Tổng thống, đã tuyên bố mình là Tổng thống mới của Niger.

Các nhà lãnh đạo ECOWAS đã lên án mạnh mẽ âm mưu lật đổ trật tự hiến pháp ở Niger, yêu cầu khôi phục hoàn toàn trật tự hiến pháp ở quốc gia này. Họ cũng coi việc giam giữ bất hợp pháp Tổng thống Mohamed Bazoum là một tình huống bắt giữ con tin, buộc lực lượng đảo chính phải chịu trách nhiệm duy nhất và hoàn toàn về sự an toàn và an ninh của ông Bazoum cũng như các thành viên trong gia đình và chính phủ của ông.

“Trong trường hợp các yêu cầu của chính quyền không được đáp ứng trong vòng một tuần, chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết, bao gồm việc sử dụng vũ lực để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger”, ECOWAS cho biết trong một tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh ở Abuja, Nigeria, ngày 30/7.

Tướng Abdourahmane Tiani, người vừa tự xưng là Tổng thống mới của Niger, và các lãnh đạo quân đội đảo chính khác ở Niger. Ảnh: The Guardian

ECOWAS cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt ngay lập tức đối với Niger, bao gồm việc đóng cửa biên giới trên bộ và trên không giữa các quốc gia ECOWAS và Niger, thiết lập vùng cấm bay trên tất cả các chuyến bay thương mại đến và đi từ Niger, và đình chỉ tất cả các giao dịch thương mại và tài chính và năng lượng giữa các Quốc gia Thành viên ECOWAS và Niger.

Tổ chức này cũng đóng băng tài sản của Niger tại các ngân hàng trung ương và thương mại trong khu vực, đồng thời áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các quan chức quân sự liên quan đến âm mưu đảo chính.

“Điều tương tự cũng áp dụng cho các thành viên gia đình của họ và thường dân chấp nhận tham gia vào bất kỳ tổ chức hoặc chính phủ nào do các quan chức quân sự này thành lập”, theo tuyên bố được tổng thống Nigeria và chủ tịch ECOWAS Bola Tinubu đọc vào cuối hội nghị.

Hiện chưa rõ ECOWAS có thể sử dụng vũ lực như thế nào. Tuy nhiên, chính quyền mới, đứng đầu là Tướng Abdourahmane Tiani - nhà lãnh đạo mới tự xưng, đã cảnh báo rằng họ sẽ chống lại bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài ngay trước hội nghị trên.

“Mục tiêu cuộc họp của ECOWAS là thông qua kế hoạch xâm lược Niger dưới hình thức can thiệp quân sự sắp xảy ra ở Niamey, với sự hợp tác của các quốc gia châu Phi khác không phải là thành viên của ECOWAS và một số quốc gia phương Tây”, những người này khẳng định. 

Người dân Niger tham gia cuộc tuần hành do những người ủng hộ Tướng Abdourahmane Tiani kêu gọi ở Niamey, Niger hôm 30/7. Ảnh: ABC 

“Chúng tôi muốn một lần nữa nhắc nhở ECOWAS hoặc bất kỳ bên nào khác về quyết tâm bảo vệ quê hương của chúng tôi”, một phát ngôn viên của chính quyền quân sự mới của Niger phát biểu trên truyền hình quốc gia tối 29/7.

Theo các chuyên gia, các cuộc đảo chính rất khó đảo ngược sau vài ngày trôi qua. Tuy nhiên, những yêu cầu của ECOWAS là thước đo phản ứng đáng báo động đối với tình trạng hỗn loạn ở một quốc gia được phương Tây coi là đồng minh quan trọng.

Trong những thập kỷ gần đây, ECOWAS đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới nhiều quốc gia bị khủng hoảng, bao gồm Liberia và Guinea-Bissau. Năm ngoái, khối đã đồng ý thành lập một lực lượng an ninh khu vực để can thiệp chống lại các thành viên nhóm vũ trang và ngăn chặn các cuộc đảo chính quân sự, nhưng thông tin chi tiết về lực lượng này và nguồn tài chính vẫn chưa rõ ràng.

Nguyễn Tuyết (Theo Al Jazeera, NY Times, France24)