Đời sống

Các phi hành gia giặt quần áo như thế nào?

Trên Trạm vũ trụ quốc tế không có máy giặt, nước cũng rất khan hiếm, vậy các phi hành gia xử lý quần áo bẩn như thế nào?

Trên thực tế, nguồn nước trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) quý đến mức ngay cả nước tiểu cũng được tái chế. Hơn nữa ở đây cũng không có máy giặt hay các thiết bị làm sạch khác. Vì vậy, các phi hành gia sẽ không giặt quần áo.

Họ sẽ chuẩn bị nhiều bộ quần áo sạch sau đó thay quần áo bẩn bằng một bộ quần áo sạch khác. Tuy nhiên, không gian lưu trữ trên Trạm vũ trụ quốc tế có hạn và không phải lúc nào tàu vũ trụ chở đồ tiếp tế cũng có sẵn nên các phi hành gia không thể mang theo quá nhiều quần áo để thay thế. Do đó, việc mặc một bộ đồ trong một thời gian dài là không thể tránh khỏi.

May mắn, trong trường hợp vi trọng lực, các phi hành gia ít vận động hơn so với trên mặt đất, vì vậy họ ít đổ mồ hôi hơn. Phi hành gia người Bỉ, Frank De Winne từng chia sẻ trên kênh YouTube của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) rằng một trong những chiếc áo của họ được mặc trong 1 tháng và tất của họ được thay 1 lần/tuần.

Quần áo bẩn của các phi hành gia sẽ không được giặt mà có thể bị đốt cháy hoặc dùng để trồng cây. (Ảnh minh họa). 

Với những bộ quần áo bẩn, trang web của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) cho biết các phi hành gia có một số lựa chọn như sau:

-Đốt cháy quần áo bẩn

Tàu vũ trụ The Progress do Roscosmos (trước đây là Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga) vận hành sẽ cung cấp vật tư cho Trạm vũ trụ quốc tế, nhưng chỉ vài lần trong năm. Sau khi dỡ hàng, tàu vũ trụ không người lái này sẽ mang đi rác thải (bao gồm cả quần áo bẩn) tích tụ trên Trạm vũ trụ quốc tế. Sau đó, trong quá trình quay trở lại bầu khí quyển, tàu vũ trụ này sẽ bị đốt cháy cùng với rác thải.

-Dùng quần áo bẩn để trồng cây

Vì không có đất trong không gian, các phi hành gia có thể lựa chọn sử dụng quần áo bẩn có chứa chất dinh dưỡng để nuôi cây.

-Nuôi vi khuẩn bằng quần áo bẩn:

Đây là một giải pháp mà các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và có thể sẽ thành hiện thực trong tương lai. Họ hy vọng sẽ thiết kế một hệ thống cho phép vi khuẩn ăn quần áo lót bằng giấy và bông của các phi hành gia, sau đó giải phóng khí mêtan, có thể được sử dụng làm nguồn năng lượng cho Trạm vũ trụ quốc tế hoặc tàu vũ trụ.

Bên cạnh đó, đối với các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, việc thực hiện một chuyến đi bộ ngoài không gian buộc họ dùng chung bộ quần áo vũ trụ cùng một bộ quần áo liền bên trong và giống với đồ lót dài, được gọi là hàng may mặc làm mát và thông gió bằng chất lỏng (LCVG).

Đồ lót của phi hành gia, gọi tắt là LCVG, phải được mặc bên dưới bộ đồ cồng kềnh truyền thống. Hiện Cơ quan không gian châu Âu (ESA) đang tích cực tìm kiếm những biện pháp nhằm bảo đảm vệ sinh đối với đồ lót dùng chung này.

Trong một dự án mới kéo dài hai năm có tên Công nghệ tráng phủ tiên tiến sinh học để giảm hoạt động của vi sinh vật (Bacterma), các nhà nghiên cứu của ESA đang hợp tác với Phòng thí nghiệm Dệt may Vienna, một công ty công nghệ sinh học tư nhân ở Áo sản xuất thuốc nhuộm vải từ vi khuẩn. Các hợp chất được tạo ra bởi những vi khuẩn này cũng có thể làm cho sợi dệt có khả năng chống lại một số loại vi khuẩn nhất định.

Một LCVG rất vừa vặn, bao trùm toàn thân, đồng thời giúp các phi hành gia mát mẻ trong quá trình hoạt động thể chất cực độ trong chân không. Theo Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia, hệ thống thông gió bằng khí giúp hút không khí ẩm ra khỏi tứ chi, trong khi các ống mềm được khâu vào quần áo sẽ luân chuyển nước làm mát xung quanh cơ thể và giúp loại bỏ nhiệt dư thừa và duy trì nhiệt độ cơ thể thoải mái.

Các nhà khoa học của ESA đã nghiên cứu các vật liệu để nâng cấp các lớp áo bên ngoài, vì vậy sáng kiến mới này là một bổ sung hữu ích, xem xét các phân tử diệt vi khuẩn nhỏ có thể hữu ích cho tất cả các loại hàng dệt của chuyến bay vũ trụ. Dự án này sẽ xem xét chúng như một loại vải dệt kháng khuẩn sáng tạo.

Các nhà khoa học sẽ kiểm tra hiệu suất của các đặc tính kháng khuẩn trong các loại vải dệt mới bằng cách cho chúng tiếp xúc với mồ hôi, bụi mặt trăng và bức xạ, để mô phỏng các điều kiện có thể làm tăng tốc độ lão hóa và hư hỏng của vải trong vũ trụ.

Minh Hoa (t/h)