Thế giới

Các nước châu Âu tìm cách hạn chế vấn đề di cư

Cho rằng hệ thống quản lý người tị nạn của EU đã thất bại, một số nước châu Âu đang muốn củng cố phòng tuyến chống người di cư ở khu vực Balkan.

Các nhà lãnh đạo của các nước Trung và Đông Nam Âu, bao gồm Áo, Hungary và Serbia, hôm 16/11 đã tổ chức một cuộc họp cấp cao tiếp theo dành riêng cho việc kiềm chế di cư, hãng thông tấn AP cho biết.

Áo và Hungary cũng cam kết giúp Serbia tổ chức những chuyến bay trục xuất những người đến từ các quốc gia được gọi là “an toàn” và không đủ điều kiện xin tị nạn tại các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu hoặc ở Serbia, các quan chức cho biết.

“Đã đến lúc các quốc gia EU riêng lẻ như chúng ta phải tìm kiếm các hình thức hợp tác mới bên ngoài những gì có thể có ở EU. Hệ thống quản lý người tị nạn của EU đã thất bại”, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết tại cuộc họp diễn ra ở thủ đô Belgrade của Serbia hôm 16/11.

Các quan chức từ Áo, Hungary và Serbia đã tổ chức một cuộc họp cấp cao tương tự vài tuần trước, và các cuộc đàm phán cấp thấp hơn cũng đã được tổ chức trong thời gian này, trong bối cảnh các nước báo cáo sự gia tăng đáng kể số lượng người di cư di chuyển dọc theo “tuyến đường Balkan”.

Đây là tuyến đường người di cư di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, qua Bắc Macedonia và Bulgaria, để tới Serbia - một quốc gia vùng Balkan ở Đông Nam Âu. Từ Serbia, người di cư sẽ cố gắng đến Tây Âu thông qua các quốc gia thành viên EU láng giềng là Hungary, Romania hoặc Croatia.

Các chuyên gia cho rằng tuyến đường bộ Balkan thường trở nên sôi động hơn trong điều kiện thời tiết xấu khi các tuyến đường di cư qua biển Địa Trung Hải và biển Aegean trở nên nguy hiểm hơn. Phần lớn người di cư đến từ Afghanistan và Syria, nhưng cũng có những người chạy trốn đói nghèo và bạo lực ở châu Phi hoặc châu Á.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (phải), Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (giữa) và Thủ tướng Áo Karl Nehammer, ký biên bản ghi nhớ giữa ba nước nhằm tăng cường hợp tác ba bên trong lĩnh vực đấu tranh hiệu quả chống di cư bất hợp pháp, sau cuộc họp ba bên ở thủ đô Belgrade của Serbia, ngày 16/11/2022. Ảnh: US News

Serbia đã chịu áp lực về đảo ngược hệ thống thị thực nới lỏng với công dân tới từ các quốc gia ở châu Á và châu Phi, những quốc gia đã trở thành nguồn di cư.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết, sau khi bãi bỏ quy định miễn thị thực với Tunisia và Burundi, chính phủ của ông sẽ thay đổi quy định với 2 quốc gia nữa vào cuối năm nay.

“Chúng tôi đã đồng ý… huy động nhiều cảnh sát hơn ở biên giới với Bắc Macedonia và các thiết bị quan trọng, bao gồm cả ô tô có lắp đặt camera ảnh nhiệt, để cố gắng chuyển phòng tuyến về phía nam”, ông Vucic cho biết.

“Chúng tôi sẵn sàng tiến xa hơn về phía nam, cùng với Bắc Macedonia, và do đó bảo vệ cả châu Âu và đất nước của chúng tôi”.

Thủ tướng Áo Nehammer cho biết, dự kiến đất nước ông sẽ nhận được hơn 100.000 đơn xin tị nạn vào cuối năm nay, so với khoảng 40.000 đơn vào năm 2021.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, đất nước ông đã ghi nhận khoảng 250.000 vụ vượt biên trái phép trong năm nay.

“Chúng ta không cần phải quản lý vấn đề di cư. Chúng ta cần phải ngăn chặn nó”, ông Orban, người nổi tiếng với các chính sách chống nhập cư, tuyên bố.

Vào năm 2015-2016, Hungary đã dựng hàng rào dây thép gai ở biên giới với Serbia để ngăn dòng người nhập cư.

“Chúng ta cần cho họ thấy rằng họ không thể vượt qua ranh giới”, ông Orban nói.

Những người di cư thường trải qua nhiều tháng trên đường, ngủ ngoài trời và đối mặt với sự lạm dụng từ những kẻ buôn người. Họ thường thực hiện hàng chục nỗ lực vượt biên bất chấp bị cảnh sát nước sở tại đẩy lùi.

Minh Đức (Theo Washington Post, The National News)