Thế giới

Các nước châu Âu tìm cách bảo vệ nền kinh tế nếu trừng phạt Nga

Là nhà cung cấp lớn thứ 7 cho Nga, với dòng chảy thương mại trị giá 20 tỷ Euro năm 2021, Ý lo ngại nền kinh tế nước này sẽ chịu nhiều thiệt hại nếu Moscow trả đũa.

Các nước Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Đức, Pháp và Ý, đang thúc ép khối này tìm cách “che chắn” cho nền kinh tế của họ trong trường hợp liên minh phương Tây trừng phạt Nga vì có hành động không phù hợp về Ukraine.

Chính phủ của Thủ tướng Ý Mario Draghi đang hội đàm với các đối tác EU về cách giảm thiểu tác động ngược lại mà các biện pháp trừng phạt có thể gây ra đối với các lĩnh vực chính của nền kinh tế nước Ý, bao gồm các cuộc thảo luận về khả năng miễn trừ một số biện pháp tài chính đang được xem xét đối với lĩnh vực năng lượng, Bloomberg dẫn một số nguồn thạo tin cho biết.

Đức và Ý cũng đã tìm cách bảo vệ lĩnh vực ngân hàng của họ. Cụ thể, Rome đề xuất nhắm mục tiêu vào các cá nhân hơn là các nhóm rộng rãi của nền kinh tế Nga, các nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho biết.

Các cuộc đàm phán diễn ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo hôm 17/2 rằng khả năng xung đột Nga - Ukraine leo thang thành hành động quân sự là "rất cao", bất chấp những lời đảm bảo lặp đi lặp lại từ phía Moscow rằng họ không có ý định đó.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Josep Borrell, nói rằng một gói trừng phạt đầy đủ của EU đã sẵn sàng và đã nhận được sự ủng hộ nhất trí từ 27 quốc gia thành viên của khối.

Trừng phạt và lo ngại về trả đũa

"Chúng tôi đã chuẩn bị một gói trừng phạt nặng", Borrell phát biểu trước cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels, đồng thời cho biết thêm rằng ông sẽ "ngay lập tức" kêu gọi một cuộc họp để chính thức thông qua các biện pháp đó nếu cần. “Năng lượng sẽ là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong gói này”, ông nói thêm.

Đức, Pháp, Hà Lan và Ba Lan nằm trong số các nước EU bày tỏ quan ngại về hậu quả của việc trừng phạt một số lĩnh vực bao gồm năng lượng, nguyên liệu thô và ngân hàng.

Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu của châu Âu, với khoảng 1/3 lượng hàng xuất khẩu của nước này chảy qua các đường ống của Ukraine.

Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, theo trang Euractiv, các quan chức EU cho biết hôm 16/2, họ đã đảm bảo được các nguồn khí đốt tự nhiên thay thế để có thể chống đỡ được nếu Nga “đóng van”.

Ý nhấn mạnh khả năng ngành hàng xa xỉ của nước này sẽ chịu thiệt hại trước sự trả đũa từ Nga đối với các lệnh trừng phạt của EU. Ảnh: The Economist

Ý đã gửi một báo cáo không chính thức vào tháng trước cho Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của EU phụ trách chuẩn bị các biện pháp trừng phạt - nêu rõ những lo ngại của Rome về cách các biện pháp có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của mình, một nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Ý cũng nhấn mạnh khả năng ngành hàng xa xỉ của nước này (ví dụ như thời trang) sẽ chịu thiệt hại trước sự trả đũa từ Nga đối với các lệnh trừng phạt hơn là lo ngại về giới hạn xuất khẩu mà Nga có thể đặt ra. Ý đã yêu cầu EC nghiên cứu một cơ chế bồi thường để giảm nhẹ tác động ngược lại của các biện pháp trừng phạt lên các nước EU, các nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Ý phụ thuộc rất nhiều vào dòng khí đốt của Nga và nền kinh tế nước này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi các lệnh trừng phạt liên quan đến thương mại vì Ý là nhà cung cấp lớn thứ 7 cho Nga, với dòng chảy thương mại trị giá hơn 20 tỷ Euro (23 tỷ USD) vào năm ngoái, theo dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Ý.

EU đã tránh chia sẻ chi tiết về gói trừng phạt với tất cả các thành viên cùng lúc. Thay vào đó, họ thích tham khảo ý kiến của nhau trong các nhóm nhỏ để tránh bất đồng. Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh hôm 17/2 không thảo luận chi tiết về các lệnh trừng phạt, một quan chức EU cho biết.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Euractiv)