Thế giới

Các nội dung bàn luận trong Hội nghị về biến đổi khí hậu LHQ COP 26

Các kỳ hội nghị COP được tổ chức nhằm giúp nhân loại nhận thức rõ mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu, giúp các nước xích lại gần nhau, đoàn kết để bảo vệ trái đất.

Hội nghị thượng đỉnh các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) đã được khai mạc vào Chủ nhật ngày 31/10 và dự kiến kéo dài đến ngày 13/11, tại  thành phố Glasgow, Anh Quốc. Hội nghị năm nay đã thu hút các quan chức từ gần 200 quốc gia đến Glasgow để thảo luận về cách thức thực hiện Thỏa thuận Paris nhằm đạt được mục tiêu chống lại sự nóng lên toàn cầu. 

COP

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1995, đây là nơi các quốc gia cam kết giảm phát thải khí nhà kính và ký kết Thỏa thuận Paris 2015. Các chính phủ họp ở thủ đô Paris (Pháp) sáu năm trước đã nhất trí về mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C, lý tưởng nhất là không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Hội nghị lần thứ 26 đã bị trì hoãn một năm do những diễn biến phức tạp đại dịch Covid-19. Hội nghị năm nay đã thu hút được hơn 25.000 đại biểu đăng ký tham gia sự kiện tại thành phố Glasgow, do ông Alok Sharma, thành viên Quốc hội Anh, chủ trì.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trên sân khấu Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26, vào ngày 1/11/2021. Ảnh: Getty Images.

THÀNH PHẦN THAM DỰ CẤP CAO

Hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới cho biết tham gia khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh vào thứ Hai ngày 1/11, được gọi là thành phần tham dự cấp cao, bao gồm Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson. 

Thủ tướng Angela Merkel, người chủ trì Hội nghị COP đầu tiên, đã tham dự Hội nghị lần này như là một trong những chuyến công du quốc tế cuối cùng của mình với tư cách là Thủ tướng Đức. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng  đích thân tham dự. 

Nữ hoàng Elizabeth II và Giáo hoàng Francis cho biết không thể thực hiện chuyến công du tới Glasgow. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro sẽ tham gia qua bài phát biểu video trực tuyến.

ĐÓNG GÓP DO QUỐC GIA QUYẾT ĐỊNH (NDCs)

Hiệp định Paris đặt ra mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu, trong đó mỗi quốc gia được tự đề các mục tiêu giảm phát thải phù hợp, được gọi là Đóng góp do quốc gia quyết định (NDCs). Trong một phần nội dung của Hội nghị COP 26 lần này, các quốc gia sẽ xem xét và, nếu cần, cập nhật các mục tiêu của họ để đảm bảo đạt được mục tiêu Paris.

Các chính phủ được yêu cầu trình bày NDCs mới sau 5 năm kể từ Thỏa thuận Paris 2015, trên thực tế thời hạn đó trong COP26 đã bị lùi lại một năm vì đại dịch Covid-19 bùng phát. Các quốc gia sẽ báo cáo lượng phát thải khí nhà kính một cách minh bạch và trình bày biện pháp giảm phát thải CO2 toàn cầu trong Hội nghị lần này.

Ông Charles, Thái tử xứ Wales, phát biểu trong Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 vào ngày 1/11/2021. Ảnh: Getty Images.

TÀI CHÍNH KHÍ HẬU 

Tài chính khí hậu là một vấn đề quan trọng đối với Hội nghị COP26, nhằm hướng tới những cam kết tham vọng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Một trong số các câu hỏi hàng đầu được đặt ra tại COP26 là làm thế nào các nước nghèo sẽ chi trả được chi phí loại bỏ nhiên liệu hóa thạch giá rẻ để chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Trong khi đó, các quốc gia giàu có, những quốc gia mà có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính chiếm phần lớn nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, sẽ phải trả giá nhưng câu hỏi đặt ra là trả giá bao nhiêu. 

VIỆC LÀM “XANH” 

Nhiều chính phủ đã nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi việc làm ‘xanh’ cho hàng triệu người lao động trong ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang gây ra thách thức đối với cả các quốc gia đang phát triển cũng như các quốc gia giàu có như Mỹ. Bởi ngành công nghiệp này đang tạo ra lượng lớn công ăn việc làm, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hội hậu đại dịch.

Tính toán lượng CO2 được hấp thụ và lưu giữ trong các bể chứa cũng là một phần quan trọng của tiến trình chống biến đổi khí hậu. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26, vào ngày 1/11/2021. Ảnh: Getty Images.

Cô Greta Thunberg, nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển, cho biết hôm thứ Sáu ngày 29/10 rằng tiếng nói của các nhà vận động từ các nước đang phát triển tại COP 26 nên được lắng nghe.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thừa nhận rằng các cuộc biểu tình hàng loạt về khí hậu đã gây áp lực lên các nhà lãnh đạo thế giới và cần xem xét vấn đề một cách nghiêm túc hơn.

Các kỳ hội nghị COP được tổ chức nhằm giúp nhân loại nhận thức rõ mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu, giúp các nước xích lại gần nhau, đoàn kết để bảo vệ trái đất và bảo vệ chính mình.

Phạm Thu Thanh (theo CNBC, AP)