Thế giới

Các nhà máy tại nước Mỹ ghi nhận lượng đơn đặt hàng sụt giảm

Cuộc khủng hoảng nguồn cung toàn cầu đã trở nên trầm trọng hơn do xung đột quân sự Nga-Ukraine, khiến giá các mặt hàng như xăng dầu và lúa mì tăng vọt.

Các đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất đã ghi nhận sự sụt giảm trong tháng 2. Theo hãng tin Reuters, nguyên nhân có thể đến từ tình trạng thiếu hụt nguyên liệu kéo dài và sự chuyển hướng chi tiêu trở lại lĩnh vực dịch vụ.

Bộ Thương mại Mỹ mới đây đã cho biết các đơn đặt hàng của nhà máy nước này đã giảm 0,5% trong tháng 2, trước đó từng ghi nhận mức tăng 1,5% trong tháng 1. Sự sụt giảm đơn đặt hàng của các nhà máy Mỹ trong tháng 2 là phù hợp với dự báo trước đó của các chuyên gia kinh tế.

Lĩnh vực sản xuất chiếm tới 12% nền kinh tế Mỹ. Theo kết quả một cuộc khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) vào tuần trước, chỉ số quản lý thu mua (PMI) thể hiện hoạt động của các nhà máy nước này đã giảm xuống còn 57,1 vào tháng 3 từ mức 58,6 tháng 2. Chỉ số PMI trong tháng 3 thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó của thị trường là ở mức 59, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung toàn cầu đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, khiến giá các mặt hàng như xăng dầu và lúa mì tăng vọt. Mặc dù nhu cầu trong lĩnh vực dịch vụ đang phục hồi trở lại nhưng lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp vẫn ghi nhận ở mức thấp. Điều này dẫn tới tình trạng hoạt động của các nhà máy bị trì trệ.

Trong khi đó, dữ liệu của chính phủ vào tuần trước cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng cho lĩnh vực dịch vụ vào tháng 2 đã đạt mức tăng mạnh nhất trong vòng 7 tháng.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của các nhà máy tại Mỹ từ năm 2018 đến tháng 3/2022 theo dữ liệu từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM). Ảnh: Trading Economics.

Sự sụt giảm đơn đặt hàng của nhà máy vào tháng 2 đến từ việc đơn hàng cho thiết bị vận tải giảm sâu 5,3%. Đơn đặt hàng xe gắn động cơ và phụ tùng giảm 0,6%, phản ánh tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đang diễn ra trên toàn cầu đã cản trở hoạt động sản xuất. Đơn đặt hàng máy móc, máy tính và sản phẩm điện tử cũng giảm mạnh.

Tuy nhiên, đơn đặt hàng thiết bị điện, đồ gia dụng và linh kiện tăng 0,6%. Đơn đặt hàng đồ nội thất và các sản phẩm liên quan cũng tăng trở lại lên tới 2,7%.

Các lô hàng hàng thành phẩm trong tháng 2 đã tăng 0,6%, so sánh với mức tăng 1,4% vào một tháng trước đó. Lượng hàng tồn kho tại các nhà máy tăng 0,6%. Các đơn đặt hàng chưa được giao đã tăng 0,4%, sau khi tăng 0,9% trong tháng 1.

Bộ Thương mại báo cáo các đơn đặt hàng đối với tư liệu sản xuất phi quốc phòng không bao gồm máy bay, được xem như thước đo kế hoạch chi tiêu kinh doanh cho thiết bị, đã giảm 0,2%. Các lô hàng tư liệu sản xuất cốt lõi, được sử dụng để tính toán chi tiêu cho thiết bị kinh doanh trong báo cáo tổng sản phẩm quốc nội, tăng 0,3% trong tháng 2.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Trading Economics)