Thế giới

Các nhà lãnh đạo Tây Phi dỡ bỏ trừng phạt với Mali và Burkina Faso

Guinea, quốc gia thứ 3 bị ECOWAS áp đặt lệnh trừng phạt không được nới lỏng do không đệ trình lộ trình bầu cử được chấp thuận

Các nhà lãnh đạo Tây Phi tham dự Hội nghị thượng đỉnh khu vực mới đây đã nhất trí dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với 2 nước láng giềng do chính phủ quân sự lãnh đạo là Mali và Burkina Faso, 2 quốc gia này đã cam kết trở lại chế độ dân chủ.

Cụ thể, Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đã quyết định dỡ bỏ tất cả biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Mali và Burkina Faso. Guinea, quốc gia thứ 3 bị khối áp đặt lệnh trừng phạt, đã không được nới lỏng do không đệ trình lộ trình bầu cử được chấp thuận. Việc đình chỉ cả 3 quốc gia tham gia vào ECOWAS vẫn có hiệu lực cho đến khi họ tổ chức bầu cử.

Các nhà lãnh đạo ECOWAS tại Hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Accra của Ghana đã chấp nhận kế hoạch chuyển đổi do chính quyền quân sự Mali và Burkina Faso đề xuất. 

Cuộc bầu cử tổng thống Mali dự kiến được tổ chức vào tháng 3/2024. ECOWAS “yêu cầu các cơ quan chuyển tiếp không tham gia” vào cuộc bỏ phiếu này. Chính quyền cầm quyền của đất nước đã thông qua đạo luật cho pháp các cơ quan lâm thời của họ được tranh cử trong cuộc bỏ phiếu tổng thống tiếp theo.

Trong khi đó, Burkina Faso đề xuất quá trình chuyển đổi kéo dài 24 tháng, dự kiến ​​sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào ngày 1/7/2024. Ông Jean-Claude Kassi Brou, chủ tịch Ủy ban ECOWAS, cho biết khối kêu gọi Guinea đệ trình lịch kế hoạch chuyển đổi sang nền dân chủ vào cuối tháng 7 tới, nếu không sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Các nhà lãnh đạo Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tham dự hội nghị thượng đỉnh ECOWAS để thảo luận về kế hoạch chuyển tiếp của Mali, Burkina Faso và Guinea, tại Accra, Ghana vào hôm 3/7/2022. Ảnh: Aljazeera.

Khu vực Tây Phi đã chứng kiến ​​sự gia tăng những cuộc tiếp quản quân sự, với việc chỉ huy quân đội đã lật đổ các nhà lãnh đạo được bầu ở Mali, Guinea và Burkina Faso trong các năm qua.

Ông Jean-Claude Kassi Brou, chủ tịch Ủy ban ECOWAS, cho biết trong nửa đầu năm 2022, khu vực này đã ghi nhận tổng cộng 3.500 người tử vong do 1.600 vụ tấn công cực đoan nhằm vào các nước bao gồm Togo, Burkina Faso, Niger và Nigeria.

Làn sóng đảo chính quân sự bắt đầu vào tháng 8/2020, khi Đại tá Assimi Goita và các binh sĩ lật đổ tổng thống được bầu dân chủ của Mali. 9 tháng sau, Đại tá Assimi Goita tiếp tục thực hiện một cuộc đảo chính thứ 2, cách chức nhà lãnh đạo chuyển tiếp dân sự của đất nước và tự mình đảm nhận chức vụ tổng thống Mali.

Vào tháng 9 năm ngoái, quân đội Guinea tuyên bố giành chính quyền và phế truất tổng thống nước này. Đến tháng 1 năm nay, Tổng thống Roch Marc Christian Kabore của Burkina Faso cũng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.

Vào tháng 1 vừa qua, ECOWAS đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Mali vốn là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ ba của châu Phi, nguyên nhân do chính quyền tuyên bố không tổ chức cuộc bầu cử dân chủ. Các lệnh trừng phạt bao gồm đóng cửa hầu hết thương mại với nước này, đóng cửa biên giới trên bộ và trên không của Mali với các nước khác trong khối.

Các biện pháp đã khiến nền kinh tế của Mali gặp nhiều khó khăn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mali xuống 5% trong năm nay so với mức dự báo ban đầu là 5,5%, nguyên nhân do tác động của các biện pháp trừng phạt.

Phạm Hà Thanh (theo Reuter, Bloomerg)