Giáo dục

Các nhà giáo cần chung tay giải quyết vấn đề của ngành giáo dục

Giáo dục đại học đã có bước phát triển mạnh mẽ, song cần phải thay đổi nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của đất nước.

Phát biểu kết luận buổi gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn một lần nữa nhấn mạnh vai trò của giáo dục đại học trong sự nghiệp phát triển giáo dục.

Giáo dục đại học là động lực của đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng cho rằng, ai cũng hiểu điều đó nhưng chúng ta vẫn cần nhắc lại. Giáo dục đại học thể hiện tầm vóc, trí tuệ, trình độ khoa học công nghệ và biểu hiện sở hữu nhân tài của đất nước.

“Không có quốc gia nào phát triển mà không cần tới một nền giáo dục đại học. Phát triển phát triển giáo dục đại học là một bài toán khó và nhiều thách thức. Giáo dục đại học đang chuyển đổi, từ cách thức quản trị, quản lý Nhà nước, cho đến sử dụng nguồn lực, cơ cấu ngành nghề… Đại học là động lực của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp”, Bộ trưởng đánh giá.

Đối với các nhà giáo, nhà khoa học là lực lượng đóng góp vào phát triển giáo dục đại học, Bộ trưởng nhìn nhận, các nhà khoa học, chuyên gia là lực lượng giúp Bộ GD&ĐT làm chính sách chiến lược mang tầm quốc gia.

Theo đó, chăm sóc các nhà khoa học là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bộ GD&ĐT đang từng bước làm mọi việc để phát triển nguồn lực này, đồng thời tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận chương trình.

Ông Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: “Ở thời điểm này, giáo dục đại học đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giáo dục đại học phát triển cả quy mô và chất lượng. Những năm gần đây, số lượng sinh viên tăng, số sinh viên nhập học tăng. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngày càng được cải thiện.

So với 10 năm trước, giáo dục đại học có bước phát triển dài. Song, so với yêu cầu của đất nước, tốc độ phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu không cùng nhau tháo gỡ điểm nghẽn thì chúng ta sẽ khó khăn để đạt đến đỉnh cao của chất lượng đào tạo”.

Cần kiên định mục tiêu phát triển ngành

Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới có nhiều việc phải làm, trong đó cần hoàn thành quy hoạch sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới quản trị, phát triển đội ngũ giảng viên, đội ngũ chuyên gia đầu ngành và hình thành nhóm nghiên cứu mạnh - hạt nhân nghiên cứu khoa học. Mặt khác, cần có sự cải thiện tài chính cho giáo dục đại học.

Về thể chế, bộ sẽ rà soát để hoàn thiện các văn bản quy pháp phạm luật để mở đường cho giáo dục đại học và tự chủ theo chiều sâu. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số… Qua đó cho thấy, còn nhiều công việc đang chờ phía trước.

Chế độ chính sách, tự chủ đại học, nghiên cứu khoa học là vấn đề được quan tâm.

Trong khuôn khổ cuộc trao đổi, Bộ trưởng gửi gắm đến các nhà giáo, nhà khoa học lưu ý làm tốt một số việc trong thời gian tới: Thứ nhất, tự chủ đại học – vấn đề đang được quan tâm. Tự chủ không chỉ dừng ở hội đồng trường, mà còn đến các giảng viên, nhà khoa học.

Hiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, Bộ trưởng mong các nhà khoa học giỏi hơn nữa. Phát triển khoa học công nghệ góp phần cải thiện chất lượng giáo dục trong thời gian tới. Mong rằng, đây là sự phấn đấu của cá nhân, nhưng cũng cần cơ chế chính sách của các cơ sở giáo dục đại học.

Cùng với đó các nhà giáo nâng cao tinh thần gánh vác trách nhiệm với sự nghiệp chung. Công bố quốc tế quan trọng nhưng cũng cần những công trình giải quyết những vấn đề nóng của đất nước.

Về việc Bộ GD&ĐT sẽ làm gì để chăm lo cho lực lượng nhà giáo? Bộ trưởng chia sẻ, có nhiều việc phải làm, trong đó có cả những việc cần làm sớm nhưng cũng có những việc cần có thời gian.

“Trước mắt, cần sớm tháo gỡ khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học. Các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia xây dựng Luật Nhà giáo – một dự án được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập”, Bộ trưởng bày tỏ

Tuy nhiên, cần kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới, những mục tiêu mang tính chiến lược của ngành.

Buổi gặp mặt hôm nay là dịp để giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác.

Để chuẩn bị cho sự kiện, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.500 ý kiến; trong đó có hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.

Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới …

Các ý kiến nêu trên cùng thông tin thu thập từ sự kiện là cơ sở quan trọng để Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp với thực tiễn.