Thế giới

Các đối tác của Apple đi đâu sau khi “tháo chạy” khỏi Trung Quốc?

Foxconn và nhiều nhà cung ứng của Apple đang tìm cách tách ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt sau quá trình gián đoạn nghiêm trọng do Covid năm 2022.

Foxconn, nhà cung cấp chính của Apple, đang tìm kiếm các đối tác ở Ấn Độ để hợp tác trong các lĩnh vực mới như chip và xe điện, công ty cho biết hôm 4/3.

Công ty Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tiếp tục liên lạc với chính quyền địa phương để tìm kiếm các cơ hội phát triển có lợi nhất cho công ty và tất cả các bên liên quan, Chủ tịch và CEO Foxconn Young Liu cho biết khi ông thực hiện chuyến thăm tới quốc gia Nam Á từ ngày 27/2 đến 4/3.

Nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới hiện đang mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác, bao gồm cả xe điện.

Foxconn đã sản xuất thiết bị cầm tay Apple ở Ấn Độ từ năm 2019 tại một nhà máy ở bang Tamil Nadu. Theo một báo cáo từ Bloomberg, Foxconn đang có kế hoạch đầu tư khoảng 700 triệu USD vào một nhà máy mới để sản xuất các bộ phận của iPhone ở Bengaluru, thủ phủ của Karnataka.

Tháng 9/2022, Apple cho biết hãng sẽ sản xuất các mẫu iPhone 14 mới tại Ấn Độ sau khi cho ra mắt các mẫu điện thoại này tại Mỹ.

Hồi tháng 1, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ cho biết, Apple muốn tăng sản lượng của công ty ở quốc gia Nam Á từ 5-7% lên 25%.

Foxconn đang có kế hoạch đầu tư khoảng 700 triệu USD vào một nhà máy mới ở Ấn Độ. Ảnh: The Star

Áp lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Việc Foxconn tìm kiếm đối tác ở Ấn Độ là minh chứng cho nỗ lực thoát khỏi Trung Quốc của Apple, mặc dù Nhà Táo chưa từng lên tiếng về việc liệu họ có kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc hay không. 

Sau nhiều năm, Apple đã dựa vào một mạng lưới sản xuất rộng lớn ở Trung Quốc để sản xuất hàng loạt iPhone, iPad và các sản phẩm phổ biến khác.

Sự phụ thuộc của Apple vào quốc gia châu Á trở nên rõ ràng hơn trong năm 2022, khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch, khiến gã khổng lồ công nghệ phải chịu tổn thất nặng nề.

Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn bắt đầu bằng cuộc chiến thương mại, nhưng sau đó đã mở rộng sang các lĩnh vực khác, buộc nhiều doanh nghiệp phải suy nghĩ về việc tách ra khỏi chuỗi cung ứng điện tử hàng chục năm tuổi ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.  

Tuy nhiên, các nhà cung cấp của Apple hiếm khi chia sẻ kế hoạch của mình, một phần là do nhà sản xuất iPhone luôn muốn giữ bí mật về chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng. 

Apple cũng cẩn thận tránh những gợi ý rằng công ty có thể giảm đầu tư vào Trung Quốc, nơi họ đã xây dựng một hệ sinh thái tập trung vào các công ty như GoerTek và Foxconn Technology Group với hàng triệu lao động.

Theo Bloomberg, 9 trong số 10 nhà cung cấp hàng đầu của Apple có thể đang chuẩn bị cho một cuộc di dời quy mô lớn đến các quốc gia như Ấn Độ, mặc dù để di chuyển 10% cơ sở sản xuất của Apple ra khỏi Trung Quốc, công ty này sẽ phải cần đến 8 năm.

Tuy nhiên, quá trình này có thể sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự đoán, vì các công ty muốn tránh những hậu quả của cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh-Washington càng nhanh càng tốt.

Trung tâm sản xuất tiềm năng 

Trước nhu cầu linh hoạt hóa chuỗi cung ứng của các công ty lớn, các quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam, đã đưa ra các ưu đãi và tích cực thu hút đầu tư vào sản xuất. Với những bước tiến trong lĩnh vực sản xuất, 2 quốc gia châu Á này đang được Apple coi là những lựa chọn thay thế tiềm năng cho các nhà máy ở Trung Quốc.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, xét về lợi thế mà 2 quốc gia này mang lại so với Trung Quốc, như chi phí lao động rẻ hơn, cơ sở hạ tầng phát triển tốt và quy trình sản xuất không ngừng cải tiến, và các biện pháp ưu đãi như giảm thuế đều đang được chính phủ 2 bên tích cực đẩy mạnh.  

Một sản phẩm AirPods của Apple được lắp ráp tại Việt Nam. Ảnh: Gadget Match

Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc, với mạng lưới cảng ven biển, lực lượng lao động trẻ có học thức và sự ổn định chính trị tương đối, là điểm đến lý tưởng của các nhà cung ứng của Apple, theo ông Kazuyoshi Yoshinaga, Phó Chủ tịch của nhà sản xuất AirPods GoerTek. Apple có khả năng đang tìm cách biến đất nước này thành trung tâm sản xuất AirPods, iPad và MacBook.

GoerTek bắt đầu hoạt động tại Việt Nam cách đây 10 năm để sản xuất các sản phẩm âm thanh theo đơn đặt hàng của Samsung. Nhà cung cấp này hiện đang vận hành 8 nhà máy ở Việt Nam và dự kiến ​tăng gấp đôi lực lượng lao động địa phương lên 40.000 ngay sau tháng 5 để tăng tốc cho dịp Giáng sinh.

Nhà sản xuất AirPods cũng đã đầu tư 280 triệu USD vào một nhà máy mới ở Việt Nam trong khi xem xét mở rộng sang Ấn Độ.

Người giám sát các hoạt động của GoerTek Việt Nam từ tỉnh Bắc Ninh cho biết, các công ty công nghệ Mỹ đã và đang khuyến khích các đơn vị cung ứng như GoerTek tích cực tìm kiếm các địa điểm thay thế.

Nhìn chung, dòng chảy sẽ liên tục hướng ra ngoài từ Trung Quốc mà không phải chiều ngược lại, ông Yoshinaga nhận định.

Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, CNN, Reuters)