Kinh tế vĩ mô

Các doanh nghiệp nhỏ là nền tảng của nền kinh tế khu vực Đông Nam Á

Nền kinh tế địa phương ở ASEAN hầu hết đều do các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (DNVVN) chi phối, tuy nhiên khu vực kinh tế này còn nhiều thách thức.

Ngày 29/6, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức hội thảo “Phát triển môi trường kinh doanh địa phương để phục hồi sau đại dịch tại Đông Nam Á".

Phát biểu tại hội thảo, ông Ramesh Subramaniam - Tổng Giám đốc ADB khu vực Đông Nam Á cho rằng, hiểu được môi trường kinh doanh ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tồn tại của các doanh nghiệptrong giai đoạn đầy thách thức này là chìa khóa để mở ra các biện pháp can thiệp chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội thảo đưa ra thông điệp chính là “Môi trường kinh doanh tốt hơn trên khắp Đông Nam Á là yếu tố quan trọng đối với việc phục hồi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.”

Tăng trưởng kinh tế khu vực đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của Đông Nam Á. Nền kinh tế địa phương ở hầu hết các nơi trong khu vực đều do các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ(DNVVN) chi phối. Các DNVVN chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong khu vực, tạo việc làm cho khoảng 2/3 tổng lực lượng lao động và chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội. 80% DNVVN hoạt động ở các thị xã hoặc ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và cung cấp cho cộng đồng địa phương các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho phụ nữ.

Tuy nhiên, các DNVVN phải đối mặt với nhiều thách thức. Họ có mức vốn điều lệ thấp và hạn chế về nguồn lực để đổi mới. Nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp khó khăn trong tiếp cận các gói hỗ trợ của chính phủ. Tại Đông Nam Á, các DNVVN đã bị thiệt hại lớn về thu nhập và vốn do đại dịch COVID-19. Các DNVVN cũng phải đối mặt với những thách thức mới như chi phí sản xuất cao hơn, gia tăng các khoản nợ và những bất ổn chính trị, đòi hỏi phải cải cách cơ cấu để cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh tại khu vực.

DNVVN là những người đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, bất kỳ kế hoạch phục hồi kinh tế nào hoặc nỗ lực chuyển sang nền kinh tế ít phát thải cacbonic cũng sẽ yêu cầu hoạch định các điều kiện kinh doanh giữa các nền kinh tế địa phương để hiểu rõ các yếu tố, chiến lược và hành động đúng đắn có thể tăng cường sự phát triển DNVVN và tăng trưởng kinh tế khu vực. 

Hội thảo đã chỉ ra nhu cầu về phương pháp tiếp cận toàn diện các nền kinh tế có thể kết nối liền mạch nhiều mảng với nhau, tạo ra một nền kinh tế địa phương hưng thịnh với các doanh nghiệp nhỏ và doanh nhân năng động. Cần thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ hơn thông qua chia sẻ thông tin nhiều hơn, đối thoại chính sách và cố vấn cho các doanh nghiệp nhỏ để phục hồi các DNVVN cạnh tranh và hiệu quả hơn sau đại dịch COVID-19.

ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, đồng thời nỗ lực xóa nghèo tối đa.

 

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là một thể chế tài chính đa phương cung cấp các khoảng tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các nước châu Á xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. ADB được thành lập vào năm 1966, có trụ sở chính tại Manila, Philippines.

Kể từ năm 1966, ADB đã hỗ trợ Việt Nam đạt được những thành tựu về xóa đói giảm nghèo và gần đây đã giúp định hướng cơ sở hạ tầng và dịch vụ, cải thiện tính bền vững về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

.

Đăng Đức