Hồ sơ doanh nghiệp

Các doanh nghiệp họ "Tân Cảng" làm ăn thế nào trong quý đầu năm?

Hiện nay, đang có 7 doanh nghiệp thuộc họ “Tân Cảng” đang có mặt trên sàn chứng khoán, hầu hết đều hoạt động chính trong lĩnh vực logistics.

Hệ sinh thái của Công ty TNHH một thành viên Tân Cảng Sài Gòn gồm 20 công ty con và 9 công ty liên kết trải dài từ Bắc đến Nam. Hiện nay, đang có 7 doanh nghiệp thuộc họ “Tân Cảng” đang có mặt trên sàn chứng khoán, hầu hết đều hoạt động chính trong lĩnh vực logistics.

Trong đó, bao gồm 4 công ty con là CTCP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (TCL), CTCP Kho vận Tân Cảng (TCW), CTCP ICD Tân Cảng Sóng Thần (IST), CTCP ICD Tân Cảng Long Bình (ILB) và 3 công ty liên kết là CTCP Cảng Cát Lái (CLL), CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (TOS) và CTCP Tân Cảng – Phú Hữu (PNP).

Dịch vụ biển Tân Cảng (TOS) là doanh nghiệp lớn nhất thuộc họ “Tân Cảng” đang có mặt trên sàn chứng khoán, hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp tàu dịch vụ dầu khí và khai thác cảng.

Công ty là một trong 3 đơn vị kinh doanh trụ cột thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn trong việc phát triển trở thành binh đoàn kinh tế biển. Tân Cảng Sài Gòn đang nắm giữ 36% vốn góp chủ sở hữu của TOS (111/310 tỷ đồng).

Trong quý I/2023, TOS ghi nhận doanh thu đạt 321 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 34 tỷ đồng, tăng lần lượt 37% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2023, công ty này đặt ra kế hoạch có doanh thu hợp nhất đạt 1.701 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 168 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của TOS đạt trên 2.387 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 1.075 tỷ đồng.  Ở thời điểm cuối quý I, dư nợ phải trả của TOS ở mức 1.312 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với thời điểm đầu năm và chiếm 55% trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp. 

Tân Cảng Sài Gòn nắm giữ 51,32% vốn góp chủ sở hữu của CTCP ICD Tân Cảng Long Bình (mã: ILB). Trong quý I/2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 127 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 27,6 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ.

Năm 2023, công ty này đạt mục tiêu đạt 587 tỷ đồng doanh thu và 93 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 3,4% và 7,4% so với năm 2022.

Đến thời điểm cuối quý I/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 1.549 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ở mức cao, chiếm đến 65% với khoảng 1.018 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 531 tỷ đồng.

Mặc dù xuất hiện tương đối muộn so với các đối thủ, nhưng ICD Tân Cảng Long Bình hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kho vận và dịch vụ điểm thông quan nội địa ICD tại khu vực Đông Nam Bộ khi chiếm tới 40% thị phần khu vực.

Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (mã: TCL) là doanh nghiệp đứng thứ ba thuộc họ “Tân Cảng” đang niêm yết, trong đó Tân Cảng Sài Gòn nắm giữ 51% vốn điều lệ.

Theo báo cáo tài chính quý I/2023 mới công bố, doanh thu của doanh nghiệp này đạt gần 357 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Tính đến hết quý I, tổng cộng tài sản của doanh nghiệp này đạt trên 915 tỷ đồng, trong đó dư nợ chiếm 36% cơ cấu tài sản (khoảng 335 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt trên 580 tỷ đồng.

Trước đó trong năm 2022, doanh thu thuần của TCL đạt 1.335 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 125 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 10% so với cũng kỳ; hoàn thành 108% kế hoạch doanh thu và 106% kế hoạch lợi nhuận.

Tân cảng Sài Gòn là doanh nghiệp quốc phòng an ninh, trực thuộc Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng; là Công ty TNHH một thành viên, Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ (Ảnh: Phạm Tùng).

CTCP ICD Tân Cảng Sóng Thần (mã: IST) cũng là một công ty con của Tân cảng Sài Gòn với việc sở hữu 51% vốn điều lệ.

Theo báo cáo tài chính mới công bố, trong quý I/2023, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 94 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, lợi nhuận sau thế đạt gần 15 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức trên 16 tỷ đồng của cùng kỳ 2022.

Trong năm 2023, doanh nghiệp này đặt mục tiêu 403 tỷ đồng doanh thu và hơn 53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ lần lượt 3,6% và 6,4% so với năm 2022. Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 455 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 212 tỷ đồng. Dư nợ phải trả của công ty ở mức 243 tỷ đồng, giảm 16% so với thời điểm đầu năm và chiếm 53% trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp. 

Tân cảng Sài Gòn là cổ đông lớn thứ hai của CTCP Tân Cảng – Phú Hữu (mã: PNP) với việc sở hữu 36,12% vốn điều lệ.

Theo báo cáo tài chính vừa mới công bố, trong quý I/2023, doanh thu của PNP đạt gần 62 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 7,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 7,9 tỷ đồng cùng kỳ 2022.

Trong năm 2023, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu trên 351 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 41 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2022. Tính đến thời điểm cuối quý I/2023, tổng tài sản của PNP đạt 345 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 225 tỷ đồng. Dư nợ của doanh nghiệp chiếm 34% trong cơ cấu tài sản với khoảng 119 tỷ đồng, giảm 10% so với thời điểm đầu năm. 

CTCP Cảng Cát Lái (mã: CLL) có 21,79% vốn điều lệ là của Tân cảng Sài Gòn, trong quý I/2023, doanh thu của công ty đạt gần 73 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 26 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022.

Tính đến cuối quý I/2023, tổng tài sản của Cảng Cát Lái đạt 719 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 676 tỷ đồng.

Dư nợ phải trả của Cảng Cát Lái ở mức thấp nhất trong 7 doanh nghiệp họ "Tân Cảng" đang niêm yết, với khoảng 43 tỷ đồng, chỉ chiếm 6% trong cơ cấu tài sản. Mức dư nợ này cũng đã giảm gần 20% so với thời điểm đầu năm. 

CTCP Kho vận Tân Cảng (mã: TCW) có 59% vốn điều lệ góp của Tân cảng Sài Gòn. Trong quý I/2023, doanh thu của công ty đạt hơn 220 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế trên 27 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022.

Tính đến cuối quý I/2023, tổng tài sản của TCW đạt 584 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 371 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp chiếm 36% cơ cấu tài sản, với khoảng 213 tỷ đồng. 

Theo báo cáo ngành cảng biển và logistics của SSI Research, năm 2023, các công ty vận tải container và logistics sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng, tuy nhiên, sản lượng kỳ vọng có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu tăng trở lại.

Các công ty cảng biển có thể duy trì tốt hơn nhờ giá dịch vụ ổn định mặc dù tăng trưởng sản lượng yếu. Các công ty vận tải dầu khí tham gia vào thị trường cho thuê tàu có thể hưởng lợi từ nhu cầu tàu chở dầu ổn định trong ngắn đến trung hạn, trong khi những công ty hoạt động trên thị trường giao ngay có thể chịu biến động mạnh về giá cước. Phân khúc vận tải hàng rời có thể được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

SSI Research cho biết, trong năm 2023, hoạt động mua bán, sáp nhập có thể diễn ra sôi động. SSI Research cho rằng việc hợp nhất thị trường là một chiến lược tốt để các công ty hoàn thiện chuỗi logistics, tăng năng lực đàm phán và giảm bớt cạnh tranh trong ngành. Do đó, hoạt động mua bán, sáp nhập có thể là chủ đề đáng chú ý trong 2023.