Giáo dục

Các địa phương rà soát lại nhu cầu tuyển sinh và đào tạo giáo viên

Việc rà soát này đáp ứng nhu cầu xác định chỉ tiêu cho các cơ sở đào tào nhằm đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, sát với nhu cầu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị rà soát thông tin đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo năm 2022 và đề xuất nhu cầu từ năm 2023 đến năm 2025.

Theo đó, việc này nhằm triển khai hiệu quả Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Bộ GD&ĐT cho hay, Nghị định số 116 có hiệu lực từ khóa tuyển sinh 2021-2022, nhưng trong quá trình triển khai có nhiều vướng mắc về số chỉ tiêu đã đề xuất của một số địa phương và việc triển khai thực tế giữa các địa phương và các cơ sở đào tạo.

Để bảo đảm nhu cầu giáo viên mà địa phương đã đề xuất đến năm 2022 và nhu cầu các năm tiếp theo sát với thực tế, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu tuyển sinh và đào tạo giáo viên năm 2022, đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên từ năm 2023 đến năm 2025.

Đây là một trong các căn cứ quan trọng để Bộ GD&ĐT xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo.

Hoạt động này giúp khắc phục tình trạng thừa/thiếu giáo viên

Bộ GD&ĐT đề nghị trước ngày 31/12 các năm 2022 đến 2024, các địa phương gửi văn bản điều chỉnh nhu cầu so với nhu cầu đã đăng ký cho các năm 2023-2025 để việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh và đào tạo giáo viên sau năm 2022 đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, sát với nhu cầu của các địa phương,

Trước đó, ngày 8/1/2020, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên từ năm 2020-2022 trên cơ sở đề xuất của các địa phương, năng lực đào tạo của các trường.

Bộ đã xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên các năm 2020- 2021 cho các cơ sở đào tạo theo quy định của luật Giáo dục Đại học và các quy định của Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên ngành sư phạm.

Nghị định này có hiệu lực từ khóa tuyển sinh 2021-2022. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc về số chỉ tiêu đã đề xuất của một số địa phương và việc triển khai giữa các địa phương với cơ sở đào tạo.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực từ ngày 15-11-2020. Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí.

Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của nhà trường nơi theo học và 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.