Thế giới

Các cuộc bầu cử “đáng mong đợi” trong năm 2023

Năm 2023 sẽ chứng kiến nhiều cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trên khắp các lục địa Á, Phi, Mỹ Latinh.

Hàng triệu người trên khắp thế giới đã bỏ phiếu trong năm 2022. Người Hàn Quốc đã bầu ứng cử viên bảo thủ Yoon Suk-Yoel làm Tổng thống của “xứ kimchi”. Ông Viktor Orbán vẫn là Thủ tướng Hungary khi Đảng Fidesz cực hữu của ông duy trì được vị trí thống trị.

Ông Emmanuel Macron đã tái đắc cử ở Pháp và trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên sau hai thập kỷ tái tranh cử thành công. Cử tri ở Philippines đã bầu ông Ferdinand “Bongbong” Marcos, Jr., con trai của nhà độc tài bị lật đổ năm 1986, làm Tổng thống.

Ông Anthony Albanese và Đảng Lao động đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Australia, chấm dứt 9 năm kiểm soát của Đảng Tự do. Người dân Colombia đã bầu Tổng thống cánh tả đầu tiên của họ, ông Gustavo Petro.

Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola đã nắm quyền trong cuộc bầu cử gần nhất trong lịch sử Angola. Ông William Ruto đã giành chiến thắng sít sao trong cuộc đua Tổng thống Kenya.

Ở Brazil, ông Luiz Inacio Lula da Silva giành chiến thắng sít sao trước Tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro, đánh dấu sự trở lại “đáng kinh ngạc” của nhà cựu lãnh đạo. Người Israel đã đi bỏ phiếu lần thứ 5 trong vòng chưa đầy 4 năm và tạo cơ hội cho cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu thành lập chính phủ mới.

Cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ chứng kiến Đảng Dân chủ giữ quyền kiểm soát Thượng viện trong khi Đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Hạ viện.

Năm tới sẽ chứng kiến nhiều cuộc bầu cử, với một số trong đó được tổ chức sớm do các chính phủ sụp đổ và các biến động chính trị khác. Với những cuộc bầu cử đúng thời hạn thì mốc thời gian cũng vẫn chỉ là tương đối. Nhưng trong năm 2023 sẽ có 4 cuộc bầu cử lớn thu hút nhiều sự quan tâm của toàn cầu.

Tổng tuyển cử Nigeria (ngày 25/2)

Nigeria là quốc gia đông dân nhất và có ảnh hưởng nhất về nhiều mặt ở châu Phi. Vì vậy, bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nigeria không chỉ quan trọng đối với người dân quốc gia Tây Phi này nói riêng mà còn đối với toàn bộ “lục địa đen” và hơn thế nữa.

Giới hạn nhiệm kỳ ngăn cản Tổng thống Nigeria đương nhiệm Muhammahu Buhari của Đảng All Progressive Congress (APC) tái tranh cử. Vì vậy, APC đã đề cử ông Asiwaju Bola Ahmed Tinubu, cựu Thống đốc Lagos, bang đông dân nhất của đất nước, làm ứng cử viên của họ.

Tổng thống Nigeria Muhammahu Buhari phát biểu nhân kỷ niệm 62 năm quốc khánh Nigeria, ngày 1/10/2022. Ảnh: Vanguard NGR

Đảng đối lập chính, Đảng Dân chủ Nhân dân, đã đề cử cựu Phó Tổng thống Alhaji Atiku Abubakar, người đã thua ông Buhari trong cuộc bầu cử năm 2019. Ngoài ra, 16 đảng khác cũng sẽ có ứng cử viên trên lá phiếu.

Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 2 tới, Nigeria sẽ có cuộc bầu cử vòng hai đầu tiên trong lịch sử.

Cuộc bầu cử vào tháng 2/2023 sẽ được tổ chức theo Đạo luật bầu cử mới nhằm làm cho cuộc bỏ phiếu trở nên minh bạch và an toàn hơn.

An ninh, tham nhũng, việc làm và giáo dục là các vấn đề quan tâm hàng đầu đối với gần 100 triệu cử tri Nigeria khi họ đi bỏ phiếu để bầu Tổng thống, Phó Tổng thống và các thành viên của Thượng viện và Hạ viện Nigeria.

Tổng tuyển cử Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 18/6)

Sự thống trị chính trường Thổ Nhĩ Kỳ trong hai thập kỷ của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan sẽ phải đối mặt với thử thách khó khăn nhất trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2023.

Cuộc tổng tuyển cử sẽ bầu ra Tổng thống và Quốc hội mới cho quốc gia liên lục địa Á-Âu này.

Ông Erdoğan từng là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2003-2014. Năm 2014, ông tranh cử Tổng thống, một chức vụ chủ yếu mang tính nghi lễ trong hệ thống nghị viện của Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 2017, ông đã thiết kế sự chuyển đổi của đất nước sang hệ thống Tổng thống. Ông đã được bầu lại vào vị trí Tổng thống quyền lực hơn rất nhiều vào năm 2018.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 16/11/2022. Ảnh: Middle East Eye

Trong những năm gần đây, ông Erdoğan có vẻ đã đánh mất ma lực chính trị của mình. Nhưng liệu các đối thủ có thể đánh bại ông trong cuộc Tổng tuyển cử vào tháng 6/2023 hay không thì còn phải chờ xem.

Liên minh Millet (Quốc gia), một liên minh các đảng phái, là nhóm đối lập chính. Khối này vẫn chưa quyết định được ứng viên Tổng thống của chính họ. Một nhóm đối lập khác là Liên minh Lao động và Tự do, được lãnh đạo bởi Đảng Dân chủ Nhân dân, đảng chính trị chính của người thiểu số người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Rủi ro lớn là các liên minh đối lập sẽ chia phiếu bầu.

Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số trong cuộc bầu cử vào nửa cuối tháng 6/2023, hai ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất sẽ đối đầu trong một vòng bỏ phiếu nước rút sau đó 2 tuần.

Tổng tuyển cử Pakistan (trước ngày 12/10)

Pakistan đang gặp khủng hoảng. Quốc gia Nam Á từ lâu đã không có Thủ tướng nào hoàn thành đủ nhiệm kỳ 5 năm.

Hồi tháng 4/2022, Thủ tướng Pakistan lúc đó là ông Imran Khan đã thua trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Không chấp nhận kết quả đó, ông Khan đã lãnh đạo những người ủng hộ mình trong một loạt các cuộc tuần hành phản đối ở thủ đô Islamabad nhằm tìm cách lật đổ người kế nhiệm ông, Thủ tướng Shehbaz Sharif.

Hồi tháng 11, ông Khan bị thương trong một vụ ám sát bất thành. Ông đổ lỗi cho ông Sharif và các quan chức quân sự cấp cao về vụ tấn công.

Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan (trái) và Thủ tướng Pakistan đương nhiệm Shehbaz Sharif. Ảnh: Republic World

Trong khi đó, Pakistan phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế. Nước này đang chìm trong nợ nần, phải vật lộn để tạo ra đủ điện để vận hành nền kinh tế và quay cuồng với trận lũ lịch sử khiến 1/3 đất nước ngập lụt, hàng nghìn người thiệt mạng, khoảng 33 triệu người phải di dời, và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trong bối cảnh đó, cử tri Pakistan sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ diễn ra không muộn hơn nửa đầu tháng 10/2023, mặc dù ông Khan liên tiếp yêu cầu bầu cử sớm.

Các đảng chính trị chính sẽ cạnh tranh phiếu bầu bao gồm: Pakistan Tehreek-e-Insaf (Phong trào Công lý Pakistan), do ông Khan lãnh đạo; Liên đoàn Hồi giáo Pakistan do ông Sharif và anh trai ông, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, lãnh đạo; và Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) dân chủ xã hội do bà Asif Ali Zardari, phu nhân của cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, lãnh đạo.

Tổng tuyển cử Argentina (ngày 29/10)

Argentina là một trong khoảng 20 nền dân chủ bắt buộc phải bỏ phiếu. Tháng 10 tới, người dân Argentina sẽ bỏ phiếu bầu Tổng thống, các thành viên của cả hai viện trong Quốc hội và Thống đốc của hầu hết các tỉnh.

Ba liên minh hiện đang thống trị nền chính trị Argentina gồm: Frente de Todos trung tả (“Mặt trận của mọi người”); trung hữu Juntos por el Cambio (“Cùng nhau vì sự thay đổi”); và liên minh theo chủ nghĩa dân túy-tự do La Libertad Avanza (“Tự do Tiến lên”).

Tổng thống Argentina đương nhiệm Alberto Fernández của Frente de Todos cho biết ông sẽ tái tranh cử. Nhưng ông Fernández có thể phải đối mặt với những thách thức từ chính liên minh của mình.

Phó Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner (trái) và Tổng thống Alberto Fernandez trong phiên khai mạc nhiệm kỳ lập pháp năm 2022 tại Buenos Aires, Argentina, ngày 1/3/2022. Ảnh: Infobae

Phó Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner, người từng là Tổng thống Argentina trong giai đoạn 2007-2015, đã ám chỉ rằng bà sẽ ra tranh cử. Nhưng mới gần đây, bà đã bị buộc tội tham nhũng, bị kết án 6 năm tù giam và bị cấm hoạt động chính trị suốt đời.

Argentina yêu cầu ứng cử viên Tổng thống chiến thắng phải nhận được ít nhất 45% phiếu bầu, hoặc 40% phiếu bầu cộng với 10% dẫn trước ứng cử viên gần nhất tiếp theo. Nếu không có người chiến thắng rõ ràng, hai ưng viên có số phiếu bầu cao nhất sẽ tham gia cuộc bầu cử vòng hai.

Lạm phát cao ngất trời sẽ là một vấn đề lớn trong chiến dịch tranh cử ở quốc gia Mỹ Latinh này.

Minh Đức (Theo CFR, Gzero Media)