Dân sinh

Bình Dương: Các cơ sở y tế không nhận cấp cứu khiến người đàn ông tử vong nói gì?

Nhiều người dân ở khu trọ tại khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương bức xúc trước việc ông D. tử vong do không được các cơ sở y tế cấp cứu.

Liên quan đến vụ việc này, chiều ngày 15/8 báo Tiền phong đưa tin, ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An (Bình Dương) cho biết, lãnh đạo địa phương đã đến động viên chia sẻ với gia đình người mất.

Về việc người nhà bệnh nhân phản ánh khi đến các bệnh viện nhưng không được tiếp nhận, lãnh đạo TP Dĩ An cho biết đã đề nghị công an vào cuộc xác minh làm rõ để có căn cứ xử lý nếu sai phạm.

“Chiều nay, lãnh đạo thành phố cùng công an sẽ làm việc với các cơ sở y tế liên quan. Nếu có cơ sở y tế cố tình vi phạm sẽ xử lý”, ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch TP Dĩ An nói.

Gia đình làm tang lễ cho ông D.

Theo Vietnamnet, trước đó, vào tối 13/8, thấy cha mình là ông N.D. (57 tuổi, quê Trà Vinh, ở trọ tại TP Dĩ An) bị nôn ói nên gia đình gọi xe cấp cứu đưa ông đi cấp cứu nhưng không được.

Sau đó, gia đình được hàng xóm hỗ trợ dùng xe tải chở ông D. đi cấp cứu tại Trung tâm y tế TP Dĩ An. Theo lời chị N.P. (con gái ông D.), khi ông D. được đưa đến đây thì Trung tâm không nhận với lý do nơi này đang điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tiếp đến, bệnh nhân được được đưa đến Phòng khám Ngọc Hồng (TP Dĩ An). Tại đây, ông D. được đưa vào phòng khám và test nhanh Covid-19 cho có kết quả âm tính.

Sau khi hỏi tiền sử bệnh, biết ông bị cao huyết áp, từng bị đột quỵ thì bác sĩ tại phòng khám nói tình trạng quá nặng, đề nghị cho bệnh nhân lên tuyến trên.

Trong đêm, gia đình tiếp tục đưa ông D. đến Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa An Phú và Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh. Các cơ sở trên đều không tiếp nhận bệnh nhân.

Cuối cùng, gia đình đành phải đưa ông D. về phòng trọ. 4 giờ sau, ông N.D. trút hơi thở cuối cùng.

Theo báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Hưởng, Giám đốc Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh (bệnh viện cuối cùng ông D. được đưa đến), giải thích khoảng 1 giờ sáng ngày 14/8, người nhà dùng xe tải chở bệnh nhân đến nhưng để xe và bệnh nhân cách xa cổng bệnh viện. Chỉ có người nhà đi vào trình bày với bảo vệ tình trạng bệnh nhân. Khi nghe thấy bệnh nhân bị nặng và đã đi các bệnh viện khác mà không nơi nào tiếp nhận, người bảo vệ có giải thích rằng bệnh nặng thì phải chuyển lên tuyến trên và chỉ đường cho người nhà đi các bệnh viện khác.

“Chúng tôi vẫn mở cửa 24/24 để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. Thời điểm đó cũng có bác sĩ đang trực. Tuy nhiên, người nhà chỉ vào hỏi vậy rồi đi chứ không hề chở thẳng xe vào bệnh viện để cấp cứu. Nếu đưa vào là chúng tôi sẽ sơ cứu và thấy nặng thì chuyển lên bệnh viện tuyến trên”, ông Hưởng nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Cường (chủ nhà trọ, người chuyển ông D. đi cấp cứu) cho biết khi tới các bệnh viện đều chở thẳng vào cổng. Tại Phòng khám tư nhân Nam Anh thì chở thẳng vào trong bệnh viện và gặp một số người trong đó. Họ nói là không có bác sĩ trực. Sau đó người bảo vệ nói là nặng thì chuyển lên tuyến trên.

“Lúc đó, đã là 1 giờ sáng giờ rồi, trời thì mưa mà chở bằng xe tải nên tôi phải tìm tấm bạt che tạm cho ông D. Nghe thấy nói vậy, chúng tôi nản hết sức rồi không biết làm sao hết nên quyết định đi về”, anh Cường nói.

Còn tại Bệnh viên Quân đoàn 4, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc bệnh viện, cho biết: Thời điểm xảy ra vụ việc, các bác sĩ vừa mới cấp cứu xong cho một ca F0 diễn biến rất nặng. Khi vừa xử lý và chuyển lên tuyến trên xong thì thấy người nhà đưa ông D. tới cấp cứu.

“Lúc này chúng tôi đang chuẩn bị khử khuẩn vì mới cấp cứu F0 xong nên không thể tiếp nhận vì sợ lây nhiễm Covid-19.  Chúng tôi có hướng dẫn người nhà chuyển đi bệnh viện khác cấp cứu”, ông Chiến cho biết.

Ông Chiến cho biết thêm: “Hiện tại số ca F0 đang tăng cao, ngay cả bệnh viện chúng tôi liên hệ chuyển bệnh nhân nặng nên tuyến trên cũng là một điều hết sức khó khăn rồi”.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa An Phú, cơ sở này không xác định được có bệnh nhân đó đến bệnh viện cấp cứu hay không vì số người đến cấp cứu tại bệnh viện hàng ngày quá đông.

“Hiện nay bệnh viện đa khoa An Phú đang quá tải, các y bác sĩ phải gồng mình để điều trị các bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, số người đến cấp cứu vì các bệnh khác cũng rất nhiều nên không thể biết bệnh nhân đó đến vào giờ nào”, ông Hà nói.

“Ngoài việc điều trị các bệnh nhân Covid-19, chúng tôi vẫn bố trí nơi tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. Nhưng đúng là bệnh viện đang quá tải, các y bác sĩ đang làm ngày làm đêm, muốn kiệt sức luôn rồi. Hãy hiểu và chia sẻ với chúng tôi” ông Hà cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề bệnh viện không tiếp nhận bệnh, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải tiếp nhận cấp cứu cho các bệnh nhân. Nếu cơ sở y tế nào không tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh vi phạm y đức, không tiếp nhận các bệnh nhân khi được chuyển đến để xảy ra trường hợp tử vong thì xử lý theo quy định, nếu cần thiết chuyển cơ quan điều tra, xử lý hình sự theo quy định. Thế nhưng, việc các bệnh viện, phòng khám từ chối nhận bệnh vẫn diễn ra khiến người dân "kêu cứu".

Quốc Tiệp (theo báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh, Tiền phong, Vietnamnet, VOV)