Xi nhan Trái Phải

Các bình luận viên dễ “thay lòng đổi dạ”

Giống như khi một trận bóng đá kết thúc, các nhà bình luận luôn có cách để lý giải về tỷ số của trận đấu. Lần này, chuyện xảy ra với cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim.

Vậy là Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã chính thức về nước. Ông Trump, sau khi không đạt được một thỏa thuận nào, gần như ngay lập tức lên máy bay về nước. Chủ tịch Kim, sau khi đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam 2 ngày, cũng đã ra về, để lại muôn vàn những tò mò còn bỏ ngỏ. Chỉ còn lại những “anh hùng bàn phím” ở nước chủ nhà là ngồi bàn luận và phân tích vì sao các ông không đạt được một thỏa thuận nào.

Bàn ăn trưa vắng người sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un rời khách sạn Sofitel Legend Metropole vào ngày 28/2, vì không đạt được một thỏa thuận chung. Ảnh: David Nakamura (The Washington Post)

Ở xứ ta, có lẽ các bình luận viên bóng đá là những người dễ “thay lòng đổi dạ” nhất. Chỉ vài phút trước, khi mà đội nhà đang dâng cao để tấn công đối thủ thì các anh ra sức cổ vũ, nhưng chợt bị thủng lưới một bàn, là các anh có thể quay ngoắt lại, đổ lỗi cho các cầu thủ đã dâng lên cao quá nên không kịp về. Nếu trước trận đấu, các anh cho rằng, chúng ta có thể thắng đối phương dựa trên các chỉ số phân tích mà các anh có, thì khi thua trận, anh có thể lý giải rằng, do chúng ta đã quá chủ quan.

Nếu như vài năm trước, đội tuyển có đá kiểu gì cũng bị chê. Thì những năm gần đây, khi đội tuyển bắt đầu đạt được một số thành tích, thì trận nào các anh cũng ca ngợi như những người hùng. Nếu đội nhà thắng, các anh bảo do sơ đồ chiến thuật sáng suốt của thầy Park, khi thua, các anh bảo rằng, đó là do ta thiếu may mắn. Càng xem bóng đá nhiều, tôi lại càng thấy hoang mang, vì không hiểu quan điểm của các anh thế nào, hay cứ gió chiều nào thì các anh ngả về chiều ấy. Chỉ thấy là các nhà bình luận luôn có lý do cho những diễn biến trên sân, kể cả là trước đó anh ta có đưa ra quan điểm trái ngược thế nào đi chăng nữa.

Nhưng mà nếu để ý trên truyền thông những ngày này, thì tôi không chỉ thấy các anh bình luận bóng đá mới là người gió chiều nào cũng theo được, mà các nhà bình luận xã hội, các “facebooker” cũng thế. Một vị quan, chỉ vài tháng trước còn là một người xông xáo, dám nghĩ dám làm, được ca tụng lên mây thì khi ngã ngựa, đột nhiên trở thành kẻ bất chấp mọi thứ để làm, không biết trên dưới. Một doanh nhân khi thành đạt, nếu nói những điều viển vông thì được coi là có tầm nhìn, khi đứng trước tòa để ly hôn, thì bị coi là kẻ không bình thường.

Ở cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này, các nhà bình luận cũng rôm rả không kém. Trước hội nghị, thì phân tích tại sao lại diễn ra ở Việt Nam, tại sao hội nghị có khả năng thành công cao. Sau hội nghị, (khi đã biết kết quả) thì các vị lại ngồi lý giải tại sao không ký được thỏa thuận nào, tại sao các nhà lãnh đạo lại có ngôn ngữ cơ thể như thế, rằng, chúng ta có thể dự báo trước được kết quả, rồi thì “ lịch sử cho thấy không nước nào từ bỏ vũ khi hạt nhân khi đã sở hữu chúng”. Thế mới thấy, chúng ta có nhiều nhà bình luận khiêm tốn quá, các vị biết cả đấy, đoán được cả đấy, thế nhưng không chịu xuất hiện sớm. Chỉ khi quan khách ba bề bốn bên đã về hết rồi thì các vị mới lên tiếng, mới viết “tút” để thể hiện cái sự uyên thâm của mình.

Tôi sinh ra ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, nơi vốn là quê hương của nhà tiên tri nổi tiếng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ở quê tôi, những cao thủ chém gio hay được gọi là con cháu cụ Trạng, mặc dù nói thế là có phần xúc phạm cụ, vì cụ là nhà tiên tri có tiếng, tiên tri điều gì đa phần đều đúng cả. Nhưng bây giờ tôi biết thêm một nghĩa nữa của từ này, đấy là những người có thể phân tích kín kẽ mọi nhẽ, vì sao một chuyện lại xảy ra như thế, có kết quả như thế, chỉ khi mà sự việc đã kết thúc hoàn toàn.

Nguyễn Vương