Xu hướng thị trường

Các bên cần “xắn tay" để gỡ rối các vấn đề về thị trường thủy sản

Dù còn nhiều khó khăn nhưng nhu cầu nhập khẩu thủy sản Việt Nam từ nhiều thị trường đã phục hồi và sản lượng sản xuất trong nước đang duy trì ở mức tốt.

Ngày 25/11, Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” đã được tổ chức trước bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ NN&PTNT đặt ra.

Để tôm hùm đi sâu vào thị trường Trung Quốc

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: “Hiện nay nuôi biển đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, giống cũng phong phú và đó là những tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh mới, cụ thể làm giảm khai thác, tăng nuôi trồng theo chuỗi khép kín”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến cũng nêu ra một số vấn đề của nuôi biển hiện nay, như về giống còn chưa chủ động, giống giả, kém, không rõ nguồn gốc, nhập lậu còn nhiều. Về thức ăn, vẫn dùng cua, cá là chính gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể, điều này tạo ra khó khăn cho giao mặt nước biển. Chưa kể, thu hoạch, chế biến cũng chưa tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Riêng với tôm hùm, Thứ trưởng đề cập đến các yêu cầu sắp tới của Trung Quốc về con giống và đề nghị các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) đã thông tin về nhiều quy định mới của Trung Quốc liên quan đến xuất khẩu tôm hùm bông.

Ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT).

Theo đó, để tôm hùm có thể đi vào thị trường Trung Quốc cần đảm bảo các yêu cầu: Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) của quốc gia được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá, công nhận tương đương. Sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận (128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống).

Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP, điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi. Các lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư; danh mục chứng thư hằng ngày gửi Hải quan Trung Quốc (Nam Ninh) để đối chiếu…

Theo ông Lê Bá Anh, những yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc đối với tôm hùm bông, trong đó bao gồm việc đối với tôm hùm bông tự nhiên, cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc chỉ đạo hệ thống Hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.

Đối với cách xác định tôm hùm nuôi, không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi. Nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên. Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).

Ngoài ra, nước xuất khẩu phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng; đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm bông; đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt. Biểu mẫu, thông tin đăng ký sẽ được gửi qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Sau khi nhận được thông tin, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tiếp và trực tuyến trước khi phê duyệt.

Khó khăn kéo dài sang năm 2024

Là hộ nuôi trồng tôm hùm tại Nha Trang (Khánh Hòa), bà Nguyễn Thị Ánh Quyên đã trình bày về các vấn đề khó khăn trong nuôi trồng hiện nay.

Cụ thể, bà Quyên mong muốn Cục Thú y xem xét về vấn đề kiểm dịch, tránh kéo dài thời gian kiểm dịch khiến tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm bông do thay đổi môi trường nước tôm giống sẽ khó phát triển, gây ảnh hưởng tới quá trình nuôi trồng của hộ dân. 

Bên cạnh đó là sự vào cuộc giúp khơi thông thị trường cho tôm hùm bông. Ngoài ra, vấn đề giao mặt nước biển, quy hoạch vùng nuôi hiện cũng đang là mối quan tâm chung của người nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa.

Trước những kiến nghị của bà Quyên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Việc giao mặt nước biển cần ổn định, đúng đối tượng. Vấn đề thị trường cũng là vấn đề mà các bên cần “xắn tay” để gỡ rối”.

Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu Cục Thú y xem xét thời gian cách ly, cơ sở thực tiễn khoa học liên quan đến vấn đề kiểm dịch, tránh gây ảnh hưởng tới quá trình nuôi trồng của người dân.

Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm tới 98-99%.

Tại sự kiện, bà Vương Thị Oanh - Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: “Bức tranh của ngành thuỷ sản năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024”.

Cụ thể, trong nửa cuối năm 2023, tổng sản lượng toàn cầu trong nửa cuối năm có thể sẽ không tăng do nhu cầu từ thị trường chưa có tăng trưởng lớn.Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục là thị trường có tăng trưởng trong nửa cuối năm. Các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản được kỳ vọng sẽ gia tăng nhu cầu nhập khẩu dịp cuối năm khi tồn kho giảm và các ngày lễ lớn đến gần.

Việt Nam sẽ tiếp tục là nhà cung cấp tiềm năng cho các thị trường trên. Tuy nhiên, cạnh tranh vẫn sẽ gia tăng với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc cho sản phẩm chế biến và với Ecuador cho sản phẩm thường.

Về cơ hội của thủy sản Việt Nam, bà Oanh cho rằng: “Trong nhiều năm qua, sản phẩm thủy sản Việt Nam cạnh tranh bằng năng lực chế biến. Điều này đã giúp chúng ta tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, giá thành tốt, khắc phục hạn chế về chi phí sản xuất và vận chuyển”. 

Nhờ đó mà Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế với sản phẩm được ưa chuộng tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh… và duy trì tốt thị phần tại những thị trường cạnh tranh cao như Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ nhiều thị trường chủ lực có khả năng phục hồi tốt dịp cuối năm. Sản lượng sản xuất trong nước vẫn đang được duy trì ở mức tốt.