Thế giới

Các ẩn số lớn trong nền kinh tế Mỹ năm 2022

Đại dịch, thị trường nhà ở, thị trường lao động, lạm phát là những yếu tố quan trọng được các chuyên gia dự báo cho nền kinh tế vào năm tới.

Sau gần hai năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Covid-19 là "đại dịch toàn cầu", nền kinh tế Mỹ đang dần bước sang năm 2022 với nhiều ẩn số như giá cả leo thang chóng mặt và những diễn biến phức tạp của đại dịch.

Ông Eric Diton, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức tư vấn tài chính The Wealth Alliance, cho biết: “Năm 2022 sẽ là sự chuyển đổi theo hướng bình thường”; “Điều đó có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng”; “Lạm phát vẫn kéo dài, nhưng vào giai đoạn cuối năm 2022 nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng và việc làm sẽ được giải quyết”.

Đại dịch

Biến thể Covid-19 Omicron, được phát hiện lần đầu ở Nam Phi vào tháng 11/2021 với tốc độ lây lan nhanh chóng được xem là yếu tố khó lường. Ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng của Công ty nghiên cứu Pantheon Macroeconomics, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu gần đây rằng: “Đầu năm 2022 có thể sẽ chứng kiến đợt tăng trưởng kinh tế tạm thời bị chậm lại do tình trạng số ca nhiễm Omicron tăng cao, tấn công một số ngành dịch vụ”.

Bà Liz Young, Giám đốc đầu tư tại công ty tài chính SoFi, cho biết Mỹ hiện đang ở vị thế tốt hơn so với một năm trước, so với ngay cả khi biến thể Delta khiến số ca nhiễm tăng vọt vào mùa hè và đầu mùa thu vừa qua. Bà nói: “Hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đã được trang bị khá tốt để ứng biến, nhiều vắc- xin và các dạng trị liệu khác đã được tạo ra. Do đó, các đợt biến động thị trường bắt nguồn từ việc xuất hiện biến thể mới và các ca nhiễm gia tăng đã trở nên dịu hơn”.

Số liệu từ Đại học Johns Hopkins hôm thứ Bảy (25/12) cho biết Mỹ hiện ghi nhận trung bình 184.802 ca mắc Covid-19 mỗi ngày.

Người đi bộ xách túi mua sắm tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ vào ngày 16/9/2021. Ảnh: Bloomberg.

Thị trường nhà ở

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ (NAR), giá trung bình cho một ngôi nhà hiện đã tăng lên mức gần 354.000 USD vào tháng 11, tăng khoảng 14% sau một năm. Các nhà kinh tế dự báo viễn cảnh lãi suất cao hơn có thể kìm hãm đà tăng giá nhà trong năm tới.

Bà Daryl Fairweather, nhà kinh tế trưởng của Công ty môi giới bất động sản trực tuyến Redfin, cho biết trong một báo cáo mới rằng hoạt động bất động sản có thể tăng vọt trong nửa đầu năm khi người mua và người bán tranh nhau chốt giao dịch trước khi lãi suất tăng. Bà dự báo lãi suất cho vay thế chấp của Mỹ kỳ hạn 30 năm sẽ tăng từ mức hiện tại khoảng 3% lên 3,6% vào cuối năm sau, đồng nghĩa rằng mỗi tháng trung bình sẽ tăng thêm 100 USD. Tuy nhiên, bà Fairweather dự báo giá nhà sẽ chỉ tăng 3% trong năm tới, bất chấp áp lực về tỷ giá.

Bà Fairweather dự đoán một năm nữa giá thuê cao hơn, ước tính mức tăng 7% trên toàn quốc vào năm 2022. Bà cho biết thêm, việc thị trường lao động phục hồi và nhiều lao động thuộc nền kinh tế tri thức có xu hướng làm việc từ xa có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu thuê nhà.

Các nhà kinh tế cho rằng nguồn cung nhà sẽ vẫn là một vấn đề. Một báo cáo vào tháng 6 của Hiệp hội Môi giới Quốc gia (NAR) cho thấy khoảng cách cung-cầu trên thị trường nhà ở của Mỹ đang thiếu 6,8 triệu căn, trong khi giá vật liệu và nhân công tăng cao sẽ khiến việc thu hẹp khoảng này cách càng trở nên khó khăn.

Thị trường lao động

Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao, tuy chưa phục hồi trở lại mức trước Covid-19 (trên 63%) nhưng đã đạt trên 61,6% trong tháng 10. Ông David Wagner, nhà phân tích và quản lý danh mục đầu tư tại Aptus Capital Advisors, chia sẻ: “Về lâu dài, tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến ​​tình trạng thiếu lao động, nhưng tình hình sẽ tốt hơn trong năm tới”.

Theo một cuộc khảo sát các giám đốc tài chính gần đây của Công ty tư vấn Deloitte, các công ty dự kiến ​​sẽ đầu tư và chi tiêu cho thiết bị, công nghệ và nguồn nhân lực trong năm tới. Ông Steve Gallucci, chuyên gia tài chính của Deloitte khu vực Bắc Mỹ, cho biết: “Việc tuyển dụng và mức lương trong nước sẽ tiếp tục chứng kiến sự gia tăng đáng kể”.

Tuy nhiên, ngay cả Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ông Jerome Powell cũng thừa nhận rằng sự sụt giảm của lực lượng lao động trong năm nay đã làm các nhà hoạch định chính sách bối rối. Các chuyên gia cho rằng trong năm mới, lực lượng lao động Mỹ sẽ tiến gần hơn đến mức trước đại dịch.

Bà Liz Young, giám đốc đầu tư tại công ty tài chính SoFi, cho biết: “Tôi nghĩ rằng sự tham gia của lực lượng lao động vẫn ở dưới mức trước đại dịch". 

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về báo cáo việc làm tháng 11 tại Nhà Trắng, Washington, Mỹ, vào ngày 3/12/2021. Ảnh: CNBC.

Lạm phát

Lạm phát là một vấn đề quan trọng và tác động đến nhiều khía cạnh trong nền kinh tế như chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), lãi suất mà người đi vay phải trả, cũng như giá cả hàng hóa dịch vụ mà các cá nhân và công ty phải thanh toán. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 11/2021 tăng lên tới 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982. Lạm phát tăng mạnh trên 5% liên tục trong nửa năm qua.

Trong cuộc họp tháng 12 vừa qua, các quan chức FED dự kiến sẽ tăng lãi suất ba lần vào năm 2022. Ông Brad McMillan, giám đốc đầu tư của Commonwealth Financial Network, cho biết tình trạng lạm phát cao hiện tại là sự kết hợp từ hai nguyên nhân: Nhu cầu đối với hàng hóa tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một điểm sáng là tỉ lệ tiền tiết kiệm của người Mỹ tăng cao. Ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu Pantheon Macroeconomics, ước tính rằng các hộ gia đình Mỹ sẽ tiết kiệm được 600 tỷ USD vào năm tới.

Hà Thanh (theo NBC News, CNBC)