Ngôi sao

Ca sĩ Việt đổi nghệ danh như Kpop: Từ hoang mang dẫn đến lạc lối

Mới đây, một Á quân từ cuộc thi Vietnam Idol đã đổi nghệ danh theo phong cách Hàn Quốc nhằm khẳng định sự trở lại với sự nghiệp âm nhạc. Và liệu, đây có phải kết quả của một thế hệ ca sĩ trẻ bước ra từ cuộc thi, gameshow.

Mới đây, ca sĩ trẻ Việt Thắng, Á quân Vietnam Idol 2016 vừa ra mắt sản phẩm mới. Anh cũng muốn khẳng định lại sự nghiệp bằng một nghệ danh mới là T-Yong. Từ đây, câu chuyện nghệ sĩ Việt lấy nghệ danh nước ngoài lại trở nên sôi nổi.

Trả lời PV báo Người Đưa Tin, chính Việt Thắng cũng thừa nhận, suốt 3 năm sau khi cuộc thi Vietnam Idol 2016 kết thúc, con đường âm nhạc của anh hoàn toàn mờ nhạt.

“Để trở thành nghệ sĩ mới là rất khó. Hai năm qua, tôi chỉ biết tự mình tìm lấy các mối quan hệ, học nhảy, thay đổi phong cách để phù hợp với thị hiếu âm nhạc”, nam ca sĩ nói.

Đổi nghệ danh để giống Hàn Quốc, nghệ sĩ trẻ có đang lạc lối hay không?

Chính vì thế, Việt Thắng chọn sản phẩm Ai nô (I know) mang phong cách R&B – Dance để quay lại khẳng định mình. Cùng với đó, anh cũng đổi luôn nghệ danh thành T-Yong. Nam ca sĩ này không hề che giấu mong muốn được giống với nghệ sĩ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi giải thích về nghệ danh mới, anh cho biết chữ T là viết tắt tên Thắng còn Yong theo tiếng Nhật nghĩa là người dũng cảm (!?).

Khách quan mà nói, giọng hát của Việt Thắng không tệ, sản phẩm mới của anh cũng khá tốt, từ hình ảnh đến bài hát cũng khá phù hợp với thị hiếu của khán giả trẻ hiện nay. Nhưng tên gọi như nước ngoài có thật sự cần thiết hay không? Vì theo ghi nhận của PV, ngay trong ê-kíp sản xuất âm nhạc cho MV Ai Nô (I Know) này, nghệ sĩ Bảo Kun cũng từng rầm rộ ra sản phẩm với nghệ danh mới là P.A.K. Rồi thì sao? Cái tên không thể là tất cả để nghệ sĩ được khán giả đón nhận.

Chuyện lấy nghệ danh nước ngoài từng khiến showbiz dậy sóng một thời gian dài. Nhiều ý kiến gay gắt cho rằng việc lấy nghệ danh Tây là thờ ơ với tiếng mẹ đẻ, là sính ngoại... Ở phía ngược lại, các nghệ sĩ trẻ cho rằng đó là quyền tự do của họ. Họ muốn tạo được sự chú ý, tạo sự khác biệt và không bị trùng tên tiếng Việt giống các nghệ sĩ khác.

Nhưng điều gì cũng nên có giới hạn. Việc lấy nghệ danh nên cố gắng sao cho dễ nghe, dễ nhớ, dễ chịu và phải mang ý nghĩa. Dĩ nhiên, quản lý Nhà nước về văn hóa nghệ thuật không thể cấm vì đó là quyền tự do, sự sáng tạo mà nghệ sĩ hướng đến. Nhưng các nghệ sĩ trẻ có bao giờ tự hỏi về trách nhiệm của mình với công chúng hay không, các bạn sẽ nói với khán giả, thế hệ trẻ điều gì về lòng tự hào đối với văn hóa dân tộc?

Mặt khác, nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã thành danh, vươn ra tầm quốc tế lại cho rằng việc chọn nghệ danh nước ngoài để dễ dàng hòa nhập quốc tế là cách nghĩ hơi nông cạn. Bởi lẽ, cái tên không làm nên con người mà con người làm nên cái tên. Chính chất xám, sáng tạo của nghệ sĩ sẽ làm cho thế giới biết đến tên họ qua tác phẩm mà không nhất thiết họ phải mang tên quốc tế.

Các nhạc sĩ, ca sĩ châu Á được quốc tế tôn vinh đều mang tên tiếng mẹ đẻ. Ở lĩnh vực âm nhạc cổ điển, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn là cái tên Việt mà cả thế giới đều tán dương. Ca sĩ Mỹ Tâm được xướng tên tại các lễ trao giải quốc tế đều là tên thuần Việt. Chính vì thế, không đủ sức chinh phục khán giả và bơi ra biển lớn là do năng lực của nghệ sĩ chứ không vì cái tên Việt hay Tây.

Tên gọi, phong cách, âm nhạc như Hàn Quốc nhưng nhóm Zero9 có gì ngoài scandal?

Là người Việt Nam, tại sao không chứng tỏ cho khán giả thấy tài năng của mình mà lại muốn gây chú ý với cái tên sính ngoại. Key, Nicky, Erik,... hay những kiểu đặt tên của thành viên các nhóm nhạc mới nổi như Zero9, Uni5,... Nhưng sau tên gọi thì có gì? Không giọng hát, không bản lĩnh, không tài năng mà chỉ toàn tai tiếng, scandal gạ tình, đạo nhái,...

Rồi liệu những cái tên đó có thể trở thành hình tượng cho các bạn trẻ Việt hay không? Còn quá sớm để khẳng định hay phủ định hoàn toàn điều đó. Nhưng trước mắt có thể thấy, khán giả quốc tế sẽ chẳng bao giờ nghĩ những nghệ sĩ này là người Việt Nam.