Văn hoá

Ca sĩ Phúc Tiệp: "Tôi coi NSND Quang Thọ như người cha thứ 2"

Với giọng hát thính phòng trầm ấm, hào sảng, Phúc Tiệp được nhiều người gọi với biệt danh "ca sĩ hát vỡ kính". Anh và NSND Quang Thọ rất thân thiết với nhau.

Ca sĩ Phúc Tiệp được công chúng và giới chuyên môn biết đến với một giọng hát khỏe khoắn, hào sảng. Cùng với những ca khúc thính phòng, opera kinh điển, Phúc Tiệp vươn lên và khẳng định vị trí là một trong những giọng ca chất lượng, đầy nội lực của nền nghệ thuật thính phòng Việt Nam.

Anh từng đạt giải nhì Sao mai 2007, giải nhì Tiếng hát Thính phòng Toàn quốc 2009… Hiện, anh còn là người truyền lửa và giữ lửa đối với dòng nhạc bác học này trong vai trò giảng viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
 
Nói về người có ảnh hưởng nhất trong sự nghiệp của mình, Phúc Tiệp cho Người Đưa Tin biết, NSND Quang Thọ là người thầy dạy âm nhạc cho anh trong suốt quá trình học ở Học viện Âm nhạc Việt Nam từ trung cấp đến khi thi tốt nghiệp đại học. Anh luôn kính trọng và yêu mến người nghệ sĩ lớn tuổi.
 

Phúc Tiệp coi  NSND Quang Thọ và người cha thứ 2 của mình.

 
"Tôi coi NSND Quang Thọ như người cha thứ 2 của mình. Chính thầy đã chỉ bảo cho tôi nhiều kiến thức âm nhạc, thày luôn cho tôi nhiều lời khuyên bổ ích trong 20 năm nay. Thày trao cho tôi niềm yêu thích nhạc thính phòng và lan toả tình yêu âm nhạc", ca sĩ Phúc Tiệp cho hay.
 
Giọng ca thính phòng chia sẻ, anh đến với âm nhạc thính phòng như một cơ duyên. Bản thân anh chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ là 1 nghệ sĩ. Vì sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh đã thi các trường đại học bình thường như ĐH Kinh Tế hay Thủy Lợi... nhưng rất tiếc là đều trượt.
 
Sau đó, anh bắt đầu chuyển hướng khi quyết định thi vào một trường văn hóa nghệ thuật của tỉnh Thái Bình nhưng... vẫn trượt.
 
"Sau 2 lần đều thi trượt, tôi cảm thấy rất chán nản nhưng vẫn không chấp nhận rằng mình kém cỏi đến như vậy. Được sự động viên của một cô giáo, tôi quyết định khăn gói lên Hà Nội ôn luyện thanh nhạc. Cuối cùng may mắn cũng đến, tôi đỗ được vào Nhạc viện Hà Nội với số điểm rất cao", anh kể về hành trình đến với nhạc thính phòng của mình.
 
Trải qua hơn 20 năm làm nghề. Phúc Tiệp cho biết, anh gặp không ít những khó khăn nhưng anh tâm niệm rằng: Không có con đường nào trải hoa hồng nên anh luôn lấy những điều đó làm động lực. 
 
Ngay khi ra trường, anh được giữ lại làm giảng viên, đến bây giờ, anh vẫn thấy quyết định theo con đường âm nhạc đối với mình là một điều may mắn. 
 
Phúc Tiệp cho biết thêm, nhiều năm nay khi đã có chỗ đứng nhất định ở dòng nhạc thính phòng, anh trăn trở suy nghĩ đến việc mình vẫn thiếu một điều gì đó trong việc tiệm cận với cộng đồng nghe nhạc nói chung và đã tới lúc nên có sự bứt phá để ghi dấu tên tuổi của mình trong dòng chảy nhạc Việt.
 

Phúc Tiệp được biết đến là một nghệ sĩ đầy nội lực của nền nghệ thuật thính phòng Việt Nam.

 
Để giữ những cảm xúc mới mẻ của mình về những dòng nhạc khác, mới đây Phúc Tiệp đã ra mắt 2 sản phẩm âm nhạc là MV Tôi là người thợ lò và album Vết xưa. MV Tôi là người thợ lò được anh chọn ra mắt cận kề dịp kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống của công nhân vùng mỏ (12/11/1936 - 12/11/2022).

Điều đặc biệt của MV là ở quá trình xâm nhập thực tế của ca sĩ Phúc Tiệp trong đời sống của công nhân mỏ. Anh cho biết, MV được anh ghi hình vào năm 2019, trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19.

Nhắc lại trải nghiệm này, Phúc Tiệp kể, thật ra người bình thường mà xuống hầm lò sâu chừng 70-80m và ở trong đó chừng 2 – 3 tiếng là không chịu nổi, phải quay trở lên. Nhưng anh thì đã theo chân các công nhân mỏ xuống hầm sâu tới tận 175m, kinh qua đủ các công việc mà họ làm 8 tiếng mỗi ngày và nhiều lần xúc động rơi nước mắt vì thấu hiểu những hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao của họ.

Còn Album Vết xưa được ca sĩ Phúc Tiệp âm thầm thực hiện cách đây gần 3 năm, quy tụ 9 nhạc phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi gồm: Mùa hè đẹp nhất, Mùa đông sắp đến, Cơn mưa phùn (Đức Huy), Căn nhà xưa (Nguyễn Đình Toàn), Như chiếc que diêm, Mắt lệ cho người (Từ Công Phụng), Một lần nào cho tôi gặp lại em, Rồi cũng già (Vũ Thành An), Chiều một mình qua phố (Trịnh Công Sơn). 

Phúc Tiệp cho hay, trong 9 ca khúc nhạc xưa này vẫn mang màu sắc rất riêng của anh. Nam ca sĩ thừa nhận, trong Album anh đã phải tiết chế khoảng 70% chất giọng của mình, giống như một người bình thường có giọng nói hào sảng, nhưng giờ đây phải nói nhỏ lại, chậm lại sao cho vẫn đảm bảo độ tròn vành rõ chữ và giàu cảm xúc.

Anh tự nhủ nếu có hát dòng nhạc nào, kết hợp với ai đi chăng nữa thì cuối cùng trong đó vẫn phải có “chất” riêng và phải được giữ bản lĩnh của người nghệ sĩ.

"Tôi thử nghiệm hát nhạc xưa nhưng vẫn giữ tình yêu với nhạc thính phòng. Tôi chưa bao giờ thấy ân hận khi theo đuổi dòng nhạc này. Với thính phòng, nếu không bật lên được, sẽ bị đào thải ngay chỉ sau 1-2 năm nên người nghệ sĩ không ngừng cố gắng", anh bộc bạch.