Giáo dục

Cả nước có hơn 378.000 giáo viên mầm non

Tỉ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định.

Mục tiêu hoàn thành phổ cập cho trẻ 5 tuổi

Theo Bộ GD&ĐT, từ năm học 2013 – 2014 đến nay, hệ thống mạng lưới trường lớp mầm non không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển đa dạng các loại hình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về GDMN của người dân.

Cụ thể, cả nước hiện có 15.334 cơ sở GDMN với 19.400 điểm trường (tăng hơn 1.200 cơ sở GDMN, tương đương 6,6% so với năm học 2013 – 2014; trong đó có 3.224 cơ sở GDMN ngoài công lập (21,1%), với quy mô gần 4,5 triệu trẻ.

Bên cạnh đó, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh; năm học 2022 – 2023, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 55,4% (năm học 2013 – 2014 chỉ đạt 25,3%).

Tỉ lệ huy động trẻ em nhà trẻ và trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi ra lớp tăng dần hàng năm. Tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 32,1% (tăng 7,7% so với năm học 2013 – 2014); tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 93,1% (tăng 6% so với 10 năm trước).

Các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN dần được quy chuẩn và được đầu tư phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Hiện tỉ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 56,9%.

Thông tin trên Kinh tế & Đô thị, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDMN tăng mạnh về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển GDMN. Đến nay, cả nước có gần 378.400 giáo viên mầm non (tăng gần 97.000 giáo viên so với 10 năm trước); trong đó tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên đạt 87,3%, trên chuẩn đạt 65,1%; tỉ lệ giáo viên/lớp đạt 1,86.

Đáng chú ý, nếu năm học 2013 – 2014, cả nước mới chỉ có 18 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi thì đến năm 2017,100% các tỉnh, TP trong cả nước hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Số lượng phổ cập ngày càng đươc nâng cao, góp phần chuẩn bị điều kiện cho trẻ em 5 tuổi vào học lớp 1 và học tập tốt ở các cấp học tiếp theo.

Đến nay, tỉ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt trên 99,7%, tỉ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN duy trì trên 99,7%; tỉ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày hàng năm đạt 99,9%.

Tuy nhiên, mạng lưới trường lớp mầm non còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là tại các TP lớn, các khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sông nước, hải đảo, biên giới.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, hiện cả nước vẫn còn 6,9% trẻ mầm non và 67,9% trẻ nhà trẻ chưa được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tại các cơ sở GDMN để tiếp cận chương trình GDMN.

Công tác tiếp cận GDMN cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ khuyết tật còn hạn chế, chưa hoàn thành mục tiêu miễn học phí trước năm 2020.

Hiện chính sách miễn học phí mới chỉ áp dụng đối với trẻ em học mẫu giáo 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em… ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi… Trẻ em 5 tuổi ở các vùng còn lại dự kiến sẽ được miễn học phí từ năm học 2024 – 2025 theo lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông so với định mức theo quy định của Bộ GD&ĐT (cấp mầm non thiếu 51.955 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 33.112 giáo viên, cấp trung học cơ sở thiếu 19.304 giáo viên, cấp trung học phổ thông thiếu 13.882 giáo viên).

So với năm học 2021-2022, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 giáo viên.

Nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu tăng nhiều là do số trẻ đến trường năm học 2022-2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học 2021-2022 (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).

Cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi ngày tăng 4,6% so với năm học 2021-2022 (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần thêm khoảng 3.000 giáo viên.

Cấp trung học phổ thông tăng 669 lớp so với năm học 2021-2022 (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).

Ngoài ra, năm học 2022 - 2023 toàn quốc có số lượng giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc nhiều (10.094 giáo viên nghỉ hơn và 9.295 giáo viên nghỉ việc).

Giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Theo số liệu trên Vietnam+, đến hết năm học 2022-2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021-2022, trong đó công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%); 100.135 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, Phổ thông (công lập chiếm 90,4%, ngoài công lập chiếm 9,6%).

Đây là thống kê theo báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 diễn ra chiều 18/8.

Trúc Chi (t/h)