Giáo dục

Cà Mau: Vụ 467 giáo viên “đòi” quyền lợi, vẫn tiếp tục tìm hướng giải quyết

Liên quan đến vụ 467 giáo viên “đòi” quyền lợi về chính sách, UBND huyện Thới Bình sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tìm hướng giải quyết cho giáo viên.

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Thanh Hận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thới Bình thông tin, thời gian qua, phòng đã tiếp nhận và phân loại 467 đơn.

Trong đó, đơn yêu cầu của giáo viên mầm non là 183 đơn; đơn yêu cầu của giáo viên tiểu học là 186 đơn; đơn yêu cầu của giáo viên THCS là 98 đơn (UBND huyện cho chủ trương hợp đồng là 203 người; phòng GD&ĐT ký hợp đồng là 170 người và các trường tự hợp đồng là 94 người).

Sau khi tiếp nhận, UBND huyện đã giao cho thanh tra tiến hành rà soát, xem xét giải quyết. Vấn đề này, sở Nội vụ Cà Mau cũng có kết luận “quy trình hợp đồng đối với những giáo viên nói trên là không đúng”.

Ông Hận lý giải: “Việc này là do các đồng chí Trưởng phòng trước đây hợp đồng”. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thới Bình cũng cho hay, đến nay huyện chỉ còn khoảng 90/467 giáo viên chưa được giải quyết các chế độ chính sách.

Trả lời câu hỏi của PV về quan điểm của huyện trong giải quyết vụ việc, ông Trần Minh Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình nói: “Tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tìm hướng giải quyết chế độ đối với những giáo viên còn lại…”.

Phòng GD&ĐT huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Như tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật phản ánh, ngày 10/6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn yêu cầu UBND huyện Thói Bình khẩn trương rà soát, xem xét giải quyết chế độ chính sách của giáo viên (bao gồm cả các giáo viên trong danh sách đã được huyện cho chủ trương và các giáo viên không có trong danh sách cho chủ trương; giáo viên do phòng GD&ĐT huyện, các trường ký hợp đồng...).

Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu cần tập trung đối chiếu quy định pháp luật, quy định của UBND tỉnh, của UBND huyện, của phòng GD&ĐT huyện và của các trường tại từng thời điểm để rà soát, xác định việc hợp đồng lao động, chi trả tiền công, các chế độ chính sách có liên quan đối với từng đối tượng cụ thể.

“Trên cơ sở rà soát, đối chiếu thì xác định cụ thể các trường hợp hợp đồng nào đúng, hợp đồng nào sai. Đúng so với quy định nào; sai thì so với quy định nào (cần làm rõ sai về thẩm quyền ký, nội dung trong hợp đồng...).

Trên cơ sở xác định đúng, sai đối với từng hợp đồng, kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể (trường hợp nào nâng lương, trường họp nào cắt hợp đồng...)”, công văn của UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ.

Thiết nghĩ, những đóng góp của giáo viên là những điều đã hiệu hữu, việc  xem xét giải quyết chế độ chính sách là những việc nên làm. Ngành chức năng trên địa bàn huyện Thới Bình cần có những hành động cụ thể nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên.

Người Đưa Tin Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.