Sự kiện

Cà Mau tăng cường công tác phòng chống bệnh dại

Ngày 4/10, tin từ UBND tỉnh Cà Mau, đơn vị này vừa có công văn gửi sở Y tế, sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dại.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với sở Y tế, các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật.

Trong đó cần lưu ý việc tăng cường công tác tuyên truyền để người dân quản lý chặt chẽ chó nuôi, không thả rong chó ra đường; tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn chó nuôi trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng theo quy định.

UBND các huyện, TP.Cà Mau chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền, vận động người dân khi bị chó cắn, phải đến cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Theo báo cáo của sở Y tế tỉnh Cà Mau, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại ở người (huyện U Minh và huyện Phú Tân).

Cụ thể, bệnh nhân N.V.Đ., SN 1956, ngụ huyện U Minh bị chó nhà cắn nhưng không đi tiêm phòng bệnh dại. Đến ngày 6/9, bệnh khởi phát với triệu chứng ngứa, tê tay chân.

Cà Mau tăng cường công tác phòng chống bệnh dại. (Ảnh minh họa).

Sau đó, bệnh nhân Đ. có đến khám các cơ sở y tế Cà Mau nhưng bệnh không giảm và được người nhà chuyển lên bệnh viện đại học Y dược TP.HCM.

Tại đây, bệnh viện chuẩn đoán: Theo dõi dại, chuyển bệnh viện Nhiệt đới vào ngày 11/9. Sau đó, người nhà xin về và tử vong lúc 6h ngày 13/9.

Trường hợp thứ 2, cách nay khoảng 2 năm (10/2017), bệnh nhân N.Đ.S., SN 1972, ngụ huyện Phú Tân bị chó hàng xóm cắn vào chân gây chảy máu ít. Sau khi cắn người, con chó tiếp tục cắn con mèo và con mèo chết sau vài ngày.

Đến ngày 16/9, bệnh nhân S. nhập viện tại bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau với những triệu chứng sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, khạc nhiều đờm dãi. Bác sĩ chuẩn đoán: Theo dõi bệnh dại và chuyển lên bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.

Thế nhưng, bệnh nhân S. tử vong lúc 3h30 ngày 17/9 khi đang trên đường chuyển lên bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.

Ngoài ra, toàn tỉnh còn ghi nhận có 9 ổ dịch nghi dại và dại trên chó (trong đó, có 4 ổ xét nghiệm dương tính trên chó, 5 ổ không lấy được mẫu xét nghiệm, gồm: huyện Trần Văn Thời 4 ổ (2 ổ dương tính), huyện Cái Nước 4 ổ (1 ổ dương tính), TP.Cà Mau 1 ổ dương tính). 

Số người bị chó cắn tại 9 ổ dịch là 35 người, tiêm vắc xin 35 người, tiêm huyết thanh kháng dại 33 người.