Văn hoá

Cà Mau: Ra mắt câu lạc bộ kể chuyện bác Ba Phi

Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vừa tổ chức lễ ra mắt câu lạc bộ kể chuyện bác Ba Phi tại ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời.

Ngày 18/5, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức lễ ra mắt câu lạc bộ kể chuyện Bác Ba Phi ở Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (tức Bác Ba Phi) tại ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời.

Theo đó, câu lạc bộ “kể chuyện Bác Ba Phi” có 20 thành viên là các nghệ sĩ và nhân viên Trung tâm Văn hóa huyện Trần Văn Thời. Câu lạc bộ sẽ sinh hoạt tối thiểu 1 lần/tháng. Tuy nhiên, khi du khách có yêu cầu thì câu lạc bộ sẽ phục vụ hoàn toàn miễn phí.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (SN 1884 - 1964) được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian năm 2003.

Bàn thờ của bác Ba Phi được người con dâu là bà Nguyễn Thị Anh nhang khói cho đến ngày nay.

Sau đó, UBND tỉnh Cà Mau đã công nhận Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi) là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2015.

Dân miền Tây không xa lạ gì với bác Ba Phi, bởi ông là một nông dân nổi tiếng với biệt tài kể chuyện tiếu lâm làm cho nhiều người cười đến… “chảy nước mắt”.

Bác Ba Phi vốn nổi tiếng với các câu truyện mang tính hài hước nhưng giản dị, mộc mạc, chân thật giống như tính cách của người dân miền Tây vậy. Cho đến ngày nay, những câu truyện kể của Bác Ba Phi vẫn được mọi người kể cho nhau nghe, như một thú vui sau ngày lao động mệt mỏi hoặc những dịp tiệc tùng.

Những câu chuyện tiếu lâm của Bác Ba Phi qua lời kể của các thành viên trong câu lạc bộ trong buổi lễ ra mắt câu lạc bộ.

Khi bác Ba Phi qua đời (ngày 3/11/1964 âm lịch), con cháu ông đã chôn ngay trên khu đất cạnh nhà trước đây do chính tay ông khai phá. Ngôi mộ của ông hiện nằm giữa hai ngôi mộ của hai người vợ Trần Thị Lữ và Lữ Thị Cham. Xung quanh mộ có trồng hoa và cây cảnh.

Hiện, di vật của bác Ba Phi chỉ còn lại cây giáo (ngày xưa bác Ba dùng để đi săn heo rừng) và chiếc xuồng độc mộc (ngày xưa bác Ba Phi dùng để vào rừng săn bắt).

Bác Ba mất đi nhưng đã để lại một kho tàng truyện tiếu lâm cho thế hệ sau, mặc dù không được ghi chép rõ ràng nhưng những mẫu chuyện kể như: Tàu rùa, câu ếch, rắn tát cá, nếp dẻo, cọp xay lúa,…vẫn được truyền miệng và lan tỏa từ Bắc chí Nam. Hễ khi thấy ai nói chuyện “dóc” hay kể truyện tiếu lâm thì mọi người đều ví von: “Nói dóc như bác Ba Phi”.

Việc ra mắt câu lạc bộ có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa về chuyện kể Bác Ba Phi. Đây cũng là di tích cấp tỉnh, đã có quy hoạch đang được địa phương mời gọi nhà đầu tư.