Sự kiện

Cà Mau: Năm 2021 là năm khó khăn nhất kể từ khi tái lập tỉnh

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đánh giá, năm 2021 là năm khó khăn nhất trong 25 năm sau khi tái lập tỉnh. Dịch bệnh bùng phát tác động nhiều lĩnh vực và đời sống người dân.

Hạn chế thấp nhất số bệnh nhân chuyển nặng và số ca tử vong

Ngày 30/12, tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau, đơn vị vừa có thông báo kết luận của đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tại Hội nghị trực tuyến (3 cấp) về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đánh giá, năm 2021 là năm khó khăn nhất trong 25 năm sau khi tái lập tỉnh. Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, hoạt động văn hóa, xã hội, sinh kế và đời sống nhân dân.

Thời gian gần đây, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc mới tăng nhanh, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong nhiều hơn. Qua phân tích, số bệnh nhân tăng nặng chủ yếu là những người có nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh nền), hầu hết là người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin phòng Covid-19.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến tình hình dịch bệnh tăng cao là do ý thức chủ quan, lơ là của một bộ phận không nhỏ người dân, kể cả cán bộ, đảng viên chưa chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch, nhất là thực hiện 5K.

Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, kịp thời, còn buông lỏng; mặc khác, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân dần trở lại bình thường làm cho dịch bệnh khó kiểm soát.

Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là biến chủng mới Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam. Việc chủ động quản lý, theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm, tăng cường điều trị, giảm ca chuyển nặng, tử vong do Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở nhất quán chủ trương là quyết liệt, không lơ là, phải cụ thể, không được chung chung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo… với mục tiêu cố gắng kéo giảm số ca F0, không để dịch bệnh lây lan diện rộng, hạn chế thấp nhất số bệnh nhân chuyển nặng và số ca tử vong.

Rà soát, điều chỉnh cách thức vận hành, chuyển bệnh nhân nâng tầng

Ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung rà soát, nắm cụ thể số lượng người dân đang sinh sống trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân từ 12 tuổi trở lên đảm bảo an toàn.

Đối với người không đồng ý tiêm vắc-xin phòng Covid-19, phải cam kết hạn chế tối đa việc di chuyển, đi lại, tiếp xúc với người bên ngoài và không tham gia các hoạt động nơi công cộng, tập trung đông người. Nếu bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không được hỗ trợ chi phí điều trị (trừ trường hợp thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ em chưa đến tuổi tiêm); xử lý nghiêm đối tượng vận động, cản trở người khác tiêm vắc-xin theo quy định.

Tăng cường tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, từng người dân định kỳ tự xét nghiệm (test nhanh), sớm phát hiện nhiễm bệnh để cách ly, điều trị kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh. Đối với những nơi có nhiều F0 thì tuyên truyền, vận động người dân chủ động tự theo dõi sức khỏe, tự xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện trường hợp nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế trang bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, khu điều trị bệnh nhân Covid-19; rà soát, điều chỉnh cách thức vận hành, chuyển bệnh nhân nâng tầng điều trị nhanh nhất có thể, không để mất thời gian làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân.

Chỉ đạo các bệnh viện, khu điều trị hằng ngày phải cập nhật số lượng bệnh nhân hiện đang điều trị tại các tầng để có phương án tiếp nhận phù hợp, không được từ chối bệnh nhân chuyển đến; sắp xếp, bố trí thêm giường bệnh nhân tầng 2 và tầng 3 tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, kể cả tuyến huyện, nhằm phục vụ bệnh nhân kịp thời, tránh bị động.

Chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố theo dõi tình hình bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà và các cơ sở thu dung điều trị, tăng cường tuyên truyền. Rà soát, tham khảo kinh nghiệm một số tỉnh, thành phố trong cả nước, sớm ban hành danh mục thuốc và một số liệu pháp trong Đông, Tây y, hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, thông tin để người dân biết, áp dụng.

Kịp thời báo cáo, đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc điều trị Covid-19; đồng thời, quản lý chặt chẽ, sử dụng thuốc đúng đối tượng (ưu tiên điều trị cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người bệnh nền...), xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng thuốc không đúng quy định, tiêu cực, trục lợi.