Sự kiện

Một trường hợp nhập viện nghi bệnh dại sau khi bị chó nhà cắn

Bà T. nhập viện theo dõi bệnh dại với các triệu chứng ngứa vùng vết thương bị chó cắn, sợ nước, khó thở, khạc đờm dãi, nôn ói, không ăn được.

Ngày 4/2, tin từ trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc sở Y tế Cà mau, đơn vị này vừa có báo cáo nhanh về trường hợp nghi dại xảy ra trên địa bàn.

Theo đó, bệnh nhân nói trên được xác định là bà N.K.T., SN 1958, ngụ khóm 8, phường 8, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trước đó, tối 25/9/2019 bệnh nhân bị chó nhà cắn vào chân phải. Lúc cắn, con chó không bình thường và có triệu chứng kích động, hung dữ, tăng tiết đờm dãi.

Ngày 26/9/2019, người nhà bệnh nhân đã cho con chó cho một người làm nghề thợ hồ gần nhà để ăn thịt nhưng không biết người này mang con chó đi đâu. Hiện tại, chưa liên hệ người thợ hồ này do không có số điện thoại và chuyển đi làm nơi khác.

Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân đã đến tiêm ngừa tại phòng tiêm Safpo – trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và được chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại SAR và một mũi vắc xin dại Abhayrab.

Khi được tiêm ngừa một mũi huyết thanh và một mũi vắc xin vào ngày 26/9/2019 bệnh nhân không đến tiêm các mũi vắc xin tiếp theo của lịch tiêm (bệnh nhân làm mất phiếu tiêm ngừa - PV).

Một trường hợp nhập viện nghi bệnh dại tại tỉnh Cà Mau. (Ảnh minh họa).

Đến ngày 3/2, bà T. xuất hiện các triệu chứng ngứa vùng vết thương bị chó cắn, sợ nước, khó thở, khạc đờm dãi, nôn ói, không ăn được nên người nhà đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau nhập viện.

Tiếp nhận thông tin, trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã cử cán bộ tiến hành điều tra, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm.

Hiện tại, trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với khoa Nhiễm bệnh viện Đa khoa tỉnh lấy mẫu xét nghiệm nước bọt gửi viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh.

Từ những lý do trên, trung tâm đã chỉ đạo trung tâm Y tế TP.Cà Mau xử lý tại nhà bệnh nhân như: Phun ướt Cloramin B 2% và xung quanh hộ gia đình, xử lý các đồ cá nhân theo quy định.

Lập danh sách 3 người tiếp xúc gần gồm: Con, cháu và anh rễ của bệnh nhân để vận động họ đi tiêm phòng bệnh dại theo quy định.

Trung tâm Y tế TP.Cà Mau phối hợp với trạm Thú y chỉ đạo trạm Y tế và Thú y phường 8 điều tra, theo dõi, thống kê số đàn chó, mèo tại địa phương.

Bên cạnh đó, xử lý môi trường tại buồng bệnh của bệnh viện bằng Chloramin B 2% thực hiện ngày 2 lần trong vòng 1 tuần. Xử lý xe vận chuyển bệnh nhân bằng Cloramin B 2% (nếu có).

Về giải pháp trong thời gian tới, ngành Y tế địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ tại cộng đồng để kịp thời phát hiện những trường hợp chó, mèo bị chết hay cắn người,…trên phạm vi toàn thành phố.

Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt. Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh dại theo quy định…