Sự kiện

Cà Mau lập chốt kiểm dịch đường bộ, đường thủy ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Trước tình trạng diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, những ngày qua, tỉnh Cà Mau dốc toàn lực thành lập nhiều chốt, trạm cả đường bộ lẫn đường thủy nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.

Clip: Tỉnh Cà Mau thành lập chốt, trạm kiểm dịch tả lợn châu Phi cả đường thủy lẫn đường bộ.

Tính đến hết ngày 28/5, chưa đầy 4 tháng sau khi ổ bệnh đầu tiên được phát hiện (ngày 1/2) tại tỉnh Hưng Yên, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, khu vực ĐBSCL đã có 7 tỉnh, thành phố phát hiện dịch tả lợn châu Phi với khoảng 2.000 con lợn bị tiêu hủy.

Với đặc thù vùng sông nước, hệ thống sông ngòi chằng chịt, giao thông đường thủy - bộ đan xen, cùng với đó là việc thiếu lực lượng, phương tiện, phải huy động lực lượng các ngành khác không chuyên trách… nên rất khó cho việc kiểm soát dịch bệnh và có nguy cơ lây lan rất cao. Nhưng, các ngành, các cấp của tỉnh Cà Mau không vì những khó khăn nêu trên dẫn đến lơ là, thiếu quan tâm, buông lỏng công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lực lượng chức năng thành lập chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi trên đường thủy.

Theo ngành chức năng của tỉnh Cà Mau, dịch tả lợn châu Phi được đánh giá là bệnh dịch đặc biệt nguy hiểm, do vi rút gây bệnh tồn lưu rất lâu trong môi trường tự nhiên. Bệnh không lây nhiễm sang người nhưng lây nhiễm từ lợn sang lợn, tốc độ lây lan rất nhanh qua nhiều đường lây nhiễm khác nhau (từ lợn bị bệnh, thức ăn chưa qua xử lý, mầm bệnh phát tán từ vùng dịch bệnh qua nguồn nước,…). Hiện nay, bệnh chưa có thuốc trị, vaccine phòng bệnh và 100% lợn bị nhiễm sẽ chết.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có khoảng 75.000 con lợn, do đó, nếu để dịch bệnh xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế (thiệt hại trực tiếp cho người chăn nuôi; kinh phí của Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục sản xuất; kinh phí thuốc, hóa chất tiêu diệt, khử trùng, xử lý môi trường; kinh phí hỗ trợ cán bộ phòng, chống dịch theo quy định;…); ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Kiểm tra các phương tiện lưu thông trên đường thủy.

Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi như: Không cho các tổ chức, cá nhân vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, có nguồn gốc từ vùng dịch bệnh vào địa bàn tỉnh Cà Mau; tất cả các phương tiện (xe tải, xe ô tô, xe gắn máy, xe đạp và xe thô sơ) có và không có vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn đều phải di chuyển qua “hố tiêu độc, sát trùng” đã được bố trí tại các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh;…

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh mua bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn phải thực hiện nghiêm các thông báo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch. Việc giết mỗ lợn phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép theo quy định, bảo đảm vệ sinh thú y; cơ sở giết mổ phải thực hiện đầy đủ việc vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc sau khi giết mổ;…

Các phương tiện lưu thông trên đường bộ đi qua địa phận tỉnh Cà Mau đều phải di chuyển qua "hố sát trùng".

Song song đó, sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cũng có công văn đề nghị các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thực hiện nhắn tin về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đến tất cả các thuê bao di động với nội dung tin nhắn như sau: “Để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, mọi người cần thực hiện:

+ Bốn không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết hoặc không có đóng dấu kiểm soát của cơ quan thú y; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa nấu chín để nuôi heo.

+Hai phải: Phải báo ngay cho cơ quan thú y và trưởng ấp, xóm khi phát hiện heo bệnh, chết; phải thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.

+ Một chỉ: Chỉ sử dụng thịt heo và các phẩm từ heo có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát của thú y và qua nấu chín.