Sự kiện

Cà Mau không đồng ý cho công ty Công Lý ngừng hoạt động Nhà máy rác

Tỉnh Cà Mau cho rằng việc thu gom xử lý rác thải là dịch vụ thiết yếu và rác thải sinh hoạt rất khó có khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đối với công nhân nhà máy nên không đồng ý cho công ty Công Lý ngừng hoạt động nhà máy rác.

Ngày 3/4, tin từ văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này đã có ý kiến chỉ đạo “không đồng ý” cho công ty TNHH Xây dựng- Thương mại- Du lịch Công Lý (gọi tắt công ty Công Lý) ngừng tiếp nhận và ngừng hoạt động xử lý rác tại Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.

Nguyên nhân tỉnh Cà Mau không đồng ý với các lý do như: Việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt là dịch vụ thiết yếu, đảm bảo điều kiện môi trường và sức khỏe người dân.

Ngoài ra, theo công bố của ngành Y tế, virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp được lây nhiễm chủ yếu trực tiếp từ người sang người. Ngoài ra, còn có thể lây nhiễm từ bề mặt các vật dụng có mang virus vào mũi, miệng, mắt người.

Từ đó, rác thải được thu gom về Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau là loại rác thải sinh hoạt rất khó có khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đối với công nhân lao động của nhà máy, nếu như công nhân tuân thủ đúng các quy định bảo hộ lao động và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu công ty Công Lý giải thích và vận động công nhân tiếp tục làm việc.

Nhà máy tiếp tục tiếp nhận rác thải của TP.Cà Mau và các huyện trên địa bàn tỉnh để xử lý theo đúng quy trình, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Tỉnh Cà Mau không đồng ý cho Nhà máy xử lý rác thải ngừng hoạt động.

Để đảm bảo sức khỏe cho công nhân viên, người lao động, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo nhà máy trang bị đầy đủ và hướng dẫn cho công nhân sử dụng dụng cụ, đồ dùng bảo hộ lao động khi làm việc gồm: quần áo, mũ, khẩu trang, găng tay loại dài chống thấm nước,….

Đồng thời, thường xuyên thực hiện việc tiêu độc, khử trùng trong khuôn viên nhà máy; yêu cầu công nhân khai báo y tế theo quy định và thực hiện kiểm tra thân nhiệt từng công nhân trước khi vào làm việc, trang bị xà phòng sát khuẩn và yêu cầu công nhân rửa tay chân sau khi hết ca làm việc.

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp luật, Nhà máy xử lý thải TP.Cà Mau xây dựng theo chính sách ưu đãi đầu tư, vốn 300 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư, 50% vốn còn lại là của nhà đầu tư, công suất nhà máy 200 tấn/ngày.

Nếu như công nhân nhà máy rác tuân thủ đúng các quy định bảo hộ lao động và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế thì rất khó có khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Qua 8 năm hoạt động, Nhà máy xử lý thải TP.Cà Mau có hai lần tạm ngưng để bảo trì, sửa chữa. Do Nhà máy xử lý thải TP.Cà Mau máy hoạt động không hiệu quả, công ty Công Lý từng “xin” giao nhà máy lại cho tỉnh Cà Mau.

Tuy nhiên, do nhà máy có nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương nên việc giao lại nhà máy ngoài thẩm quyền của tỉnh.

Ở khía cạnh khác có liên quan, mới đây cơ quan An ninh điều tra của bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc công ty Công Lý (thường gọi là “Dân Công Lý”).

Ông "Dân Công Lý" được áp dụng biện pháp tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú. Ông “Dân Công Lý” bị khởi tố để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an cũng đã thực hiện khám xét nhà riêng của ông Tô Hoài Dân tại TP.Cà Mau và trụ sở công ty Công Lý, ở phường 8, TP.Cà Mau để phục vụ việc điều tra.

Trước đó, tháng 8/2019, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an cũng đã bắt ông Tô Công Lý, 35 tuổi, Phó Tổng Giám đốc công ty Công Lý (con trai ông Tô Hoài Dân).

Được biết, công ty Công Lý là doanh nghiệp có tiếng ở tỉnh Cà Mau. Công ty này là chủ đầu tư nhiều dự án lớn, trong đó có dự án điện gió Bạc Liêu và Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.