Sự kiện

Cà Mau khẳng định tin đồn về dịch tả lợn châu Phi là sai sự thật

Sáng 13/3, chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau có văn bản gửi Công an tỉnh Cà Mau và sở Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị xử lý thông tin sai sự thật về tình hình dịch tả lợn châu Phi.

Theo chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở 13 tỉnh, thành gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định và Ninh Bình.

“Bệnh chưa xảy ra ở các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là tỉnh Cà Mau (kể cả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên lợn cũng không xảy ra)”, nội dung văn bản nêu rõ.

Tuy nhiên, vào ngày 12/3, một chủ tài khoản Facebook có tên là Bảo Trân, Bảo Yến đã đăng tải hình ảnh thịt heo với thông tin: “Tới Cà Mau rồi; Thề k (không - PV) ăn thịt heo luôn”.

Chỉ trong khoảng 2 giờ đăng thông tin trên Facebook đã có 459 bình luận và 2,2 nghìn lượt chia sẻ và bình luận lo lắng về bệnh dịch trên heo.

Qua theo dõi thông tin và rà soát nắm tình hình, chi cục Chăn nuôi và Thú y xác nhận, đây là thông tin sai sự thật, không có căn cứ xác thực, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến tâm lý người tiêu dùng và gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Một tài khoản Facebook đăng tải thông tin với hàm ý về thịt heo bệnh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Vi vậy, chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị Công an tỉnh, sở Thông tin và Truyền thông điều tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm hành vi đưa thông tin sai sự thật nêu trên của chủ tài khoản Facebook Bảo Trân, Bảo Yến để kịp thời thông tin đến người dân được rõ, tránh gây thiệt hại cho người chăn nuôi trong tỉnh.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết, đang chờ sở NN&PTNT có văn bản phản hồi về những nội dung đăng tải trên Facebook trong những ngày qua.

“Nếu sở NN&PTNT khẳng định thông tin trên là không đúng thì đơn vị sẽ có bước xác minh, xử lý những thông tin đăng tải sai sự thật theo quy định…”, ông Đen nói.

Đến sáng 13/3, theo tìm hiểu của PV, hầu hết các tài khoản Facebook đăng thông tin thất thiệt về thịt heo bệnh đều đã gỡ bỏ nội dung khỏi mạng xã hội...