Kinh tế

Cà Mau đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng để phát triển ngành tôm đến năm 2030

Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,65 tỷ USD; dự kiến tổng vốn đầu tư cho ngành tôm đến năm 2030 khoảng 20.000 tỷ đồng.

Với mục tiêu phát triển ngành tôm địa phương trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, ngày 25/5, tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh vừa quyết định phê duyệt phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quan điểm chung của tỉnh Cà Mau là chuyển mạnh tăng trưởng về số lượng sang chất lượng, trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới cùng với đào tạo sử dụng nguồn nhân lực đảm bảo hài hòa hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường trong mối quan hệ liên ngành.

Theo Tuổi Trẻ, tỉnh Cà Mau cũng đề mục tiêu cụ thể mà địa phương hướng đến là đến năm 2030 Cà Mau giữ ổn định diện tích nuôi tôm đạt 280.000ha. Trong đó nuôi tôm siêu thâm canh đạt 8.000ha, thâm canh 1.700ha, quảng canh cải tiến 240.000ha, quảng canh 30.300ha. Phát triển hai khu phức hợp thủy sản ở hai huyện Năm Căn và Đầm Dơi.

Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng cung ứng cho nhu cầu người nuôi trong tỉnh đạt từ 80% trở lên. Sản xuất thức ăn nuôi tôm đáp ứng được 40% so với nhu cầu.

Ảnh minh họa.

Tổng sản lượng tôm nuôi đạt 350.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là 6 tỷ USD.

Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành tôm đến năm 2030 là khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn có nguồn gốc ngân sách 4.050 tỷ đồng, các thành phần kinh tế khác 15.950 tỷ đồng để phát triển ngành tôm của tỉnh Cà Mau.

Theo Vietnam+, trong phương án mà tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt cũng nêu cụ thể các tiêu chí lựa chọn vùng nuôi phù hợp với từng loại hình nuôi, nhằm để phát triển ngành tôm phát triển bền vững. Ngoài quy hoạch phương án phát triển hệ thống sản xuất và cung ứng tôm giống chất lượng cao, tỉnh Cà Mau đề ra phương án nâng cao năng lực chế biến hiện đại, bảo vệ môi trường… phấn đấu đến năm 2030, sản lượng chế biến thủy sản sẽ đạt 176.000 tấn thành phẩm.

Đặc biệt, địa phương còn hướng đến việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chế biến thủy sản xuất khẩu theo hướng nâng cao tỉ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng lên 75-80%, giảm mạnh tỉ lệ các sản phẩm sơ chế còn dưới 20-25%. Đồng thời, giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống cũng như mở rộng và phát triển các thị trường tiềm năng khác. Trong đó, đến năm 2030, cơ cấu thị trường EU khoảng 17%; thị trường Nhật Bản khoảng 20%; thị trường Mỹ khoảng 20%; thị trường Trung Quốc và các thị trường khác khoảng 43% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Theo thống kê của Hội Thủy sản Việt Nam, nhiều năm nay, con tôm vẫn luôn là chủ lực của ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung. Hằng năm, ngành tôm mang về cho đất nước từ gần 4 tỷ USD và đóng góp khoảng 45-50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Hiện tại, Việt Nam là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới và nằm trong top 4 thế giới về xuất khẩu cùng với các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia; trong đó, Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 303.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm là khoảng 280.000ha với tổng sản lượng tôm ước đạt 243.000 tấn.

Năm nay, Cà Mau phấn đấu giữ ổn định diện tích nuôi tôm và sản lượng, bên cạnh đó là phát triển loại hình nuôi tôm phù hợp với từng vùng sinh thái để ứng dụng khoa học công nghệ mới và áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế. Cụ thể, giữ vững diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh 6.800ha; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 187.000ha.

Đồng thời, xây dựng nuôi tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2, 3 giai đoạn, tôm-lúa, tôm-rừng, nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ...

Khó khăn về nguồn nước

Theo báo Lao Động, Cà Mau có hệ thống sông, rạch, kênh các cấp tuy đã hình thành với mật độ khá cao, nhưng do hình thành tự phát, phân bố không hợp lý, dòng chảy ngoằn ngoèo hạn chế tốc độ dòng chảy sinh ra nhiều giáp nước cục bộ.

Tất cả các kênh đều làm cả chức năng tưới/cấp, kể cả tiêu thoát nước sinh hoạt nên chất lượng nước bị ô nhiễm nặng; hệ thống kênh mương toàn tỉnh (trừ phần Bắc Cà Mau) bị nhiễm mặn gần như quanh năm. Vào tháng 10 và 11, mưa lớn làm độ mặn giảm đi nhưng cũng ở mức 4- 5‰. Vì vậy, sản xuất lúa trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.


Việc khai thác nước ngầm càng ngày càng tăng dẫn đến mực nước ngầm ven biển của tỉnh Cà Mau giảm thấp khá nhanh; hệ thống đê biển đã được xây dựng, tuy nhiên, một số tuyến/đoạn đê chưa đảm đảo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đang nâng cấp, thiếu các cống dưới đê nên hiệu quả ngăn mặn, tiêu úng, phòng chống thiên tai chưa cao, trong lúc diễn tiến biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng rõ nét…


Theo UBND tỉnh Cà Mau, hệ thống thủy lợi trong địa bàn chưa được đầu tư nhiều, dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; công trình bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, đặc biệt là rừng đước, các công trình lấn biển, khai thác bãi bồi vùng Đất Mũi chưa được quan tâm; vào mùa kiệt, lưu lượng sông Mekong giảm khá thấp, tỉnh Cà Mau nằm ở cuối nguồn lại bị thủy triều chi phối từ nhiều phía (kể cả phía giáp ranh Kiên Giang và Bạc Liêu) nên xâm nhập mặn cũng gây khó khăn trong sản xuất… 
Đặc biệt Cà Mau là tỉnh duy nhất ở khu vực ĐBSCL không có lũ, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường (ví dụ như hiện tượng Elnino năm 2016) cũng gây ra tác động bất lợi đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Về cơ bản hệ thống thủy lợi của tỉnh không có hệ thống cấp nước, thoát nước riêng biệt, không có nước ngọt từ sông Hậu nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước, lây lan dịch bệnh từ nuôi trồng thủy sản là rất lớn.


Vấn đề đặt ra cho các cấp chính quyền và người dân là phải quản lý môi trường nuôi trồng thủy sản, để hạn chế các tác động bất lợi đối với thủy sản nuôi, đặc biệt là nuôi công nghiệp.

Minh Hoa (t/h)