Sự kiện

Cà Mau bàn giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa

Chiều 24/2, tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị bàn giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa. Hội nghị nhận được sự quan tâm của các bộ, cục, vụ, viện của Trung ương và nhiều chuyên gia về quy hoạch thủy lợi, địa chất, tài nguyên môi trường và trồng trọt.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay: “Vùng Bắc Cà Mau có diện tích tự nhiên hơn 154.000 ha bao gồm một phần diện tích huyện Thới Bình, phần lớn diện tích huyện Trần Văn Thời và toàn bộ huyện U Minh. Trong đó có hơn 100.000 ha đất nông nghiệp và gần 45.000 ha đất lâm nghiệp”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, năm nay tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL nói chung và tỉnh nói riêng đã xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gây gắt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn.

Tính từ đầu năm đến ngày 19/2/2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 18.000 ha các trà lúa bị thiệt hại; diện tích bị khô hạn đến nay hơn 42.800ha; hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt có 20.542 hộ;...

Quang cảnh buổi hội nghị.

Về tình hình sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông, các tuyến đường do cấp tỉnh đã sụp lún 5 điểm trên tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, nhiều vết rạng nứt trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc; đối với lộ giao thông nông thôn đã có 907 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 21.600 m.

Ngoài ra, vào rạng sáng 18/2, tại tuyến đê Đá Bạc về Kênh Mới xảy ra sụt lún mặt đường khoảng 100m (từ Km 58+135 đến Km 58+235); sáng ngày 23/2 tiếp tục sụp lún thêm khoảng 90 m. Mặt đê bị lún sâu từ 1.8 - 2m (khoang đào cách chân đê khoảng 18 m bùn trồi lên).

Bước đầu ngành chức năng xác định các nguyên nhân chủ yếu gây ra thiệt hại đối với thiệt hại hoa màu là do thiếu nước ngọt; hệ thống thuỷ lợi chưa khép kín (đối với vùng lúa- tôm); chưa có hệ thống trạm bơn điều tiết nước;...

Đoàn đi kiểm tra tại vị trí sụt lún lộ giao thông.

Đối với sạt lở, sụp lún là do mất phản áp của nước vào thành bờ sông gây ra sụt, lún. Ngoài ra còn do các nguyên nhân khác như đặc điểm địa chất yếu, một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông, gia tải lớn, lòng sông sâu... gây ra sạt lở, sụt lún.

Ngay sau khi nghe báo cáo tình hình của tỉnh, các chuyên gia, bộ ngành đã khảo sát trực tiếp tại đường BT nông trường 402 (khảo sát sụt lún lộ giao thông); khảo sát sụt lún đê biển Tây; khảo sát sự cố rò rỉ bản đáy cống; kiểm tra lúa, rau, đậu xanh; kiểm tra tình hình khó khăn vận chuyển lúa hàng hóa;…

Qua buổi kiểm tra thực tế, GS.TS. Tăng Đức Thắng, Chuyên gia cao cấp Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng: “Việc UBND tỉnh Cà Mau nghiên cứu, xin ý kiến chuyển đổi mô hình sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm trên khu vực vùng ngọt cũng có thể khả thi. Bởi, khi khảo sát chúng tôi có dữ liệu để nhận định vùng phân biệt rõ rệch 2 mùa mặn ngọt. Tuy nhiên, để áp dụng mô hình sản xuất như đã đề xuất, tỉnh cần nghiên cứu thêm những vấn đề liên quan khác nhằm mang tính pháp lý hiệu quả”.

Hạn hán làm ảnh hưởng đậu xanh của người dân ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Về đề xuất đưa nước mặn vào để giữ chân tránh sạt lở các công trình giao thông, thì vẫn còn ý kiến trái chiều, e ngại khi đưa nước mặn vào sẽ gây xâm mặn nặng nề hơn ở vùng ngọt.

Đánh giá về việc này, ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nêu quan điểm: “Tôi thấy rằng giải pháp đưa nước mặn vào là cực kỳ hợp lý. Bởi vì, thông thường, ngoài kênh mương có lượng nước cân bằng nên không gây ra sạt lở. Một khi lượng nước bị mất vào thời điểm hạn hán mà bù lượng nước mặn sẽ làm ổn định trở lại”.

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Triều Tiên, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cũng nêu thực tiễn tại địa phương, trước đó, do sự cố xói đáy cống Trùm Thuật Nam, xã Khánh Hải, hệ thống kênh trong ô thuỷ lợi xã đã có một lượng nước mặn vào kênh thì, hiện tượng sụt lún, sạt lở không xảy ra như các khu vực khác.