Thế giới

Ca mắc Covid-19 liên tục lập kỷ lục, Malaysia thay đổi cách công bố số liệu

Sự thay đổi này nhằm làm giảm tâm lý sợ hãi của công chúng khi tiếp nhận thông tin về các ca nhiễm bệnh mới,, Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết.

Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Y tế Malaysia, Khairy Jamaluddin, cho biết con số này sẽ được công bố cùng với dữ liệu về tỉ lệ nhập viện và số ca cần chăm sóc tích cực (ICU).

Sự thay đổi này nhằm làm giảm tâm lý sợ hãi của công chúng khi tiếp nhận thông tin về các ca nhiễm bệnh mới, với những con số kỷ lục, theo ông Khairy.

"Chúng ta nên xem xét thông tin này cùng với các số liệu khác để có bức tranh rõ nét hơn về tình hình thực tế" thay vì chỉ nhìn vào những con số như 20.000 hoặc 30.000 ca nhiễm mới hàng ngày, Bộ trưởng Khairy cho biết trong một cuộc họp báo gần đây.

Kể từ ngày 18/2, Bộ Y tế Malaysia sẽ công bố số liệu về Covid-19 theo cách mới. Cách tiếp cận này cũng phù hợp với nhận định của các chuyên gia.

Tiến sĩ Amar-Singh HSS, Trưởng Khoa nhi Bệnh viện Raja Permaisuri Bainun ở thành phố Ipoh, bang Perak, nói với trang Free Malaysia Today rằng tỉ lệ tiêm chủng cao ở Malaysia đã làm giảm tầm quan trọng của việc tính toán tỉ lệ nhiễm bệnh hàng ngày.

Theo ông, chuyển trọng tâm sang số ca nhập viện sẽ phản ánh tốt hơn mức độ nghiêm trọng hiện tại của đại dịch và giúp dự đoán về khả năng xuất hiện của một biến thể kháng vắc-xin nào khác.

Nó cũng sẽ giúp công chúng đánh giá liệu miễn dịch có được thông qua tiêm chủng có còn duy trì theo thời gian hay không, ông nói.

Gần đây, Tạp chí Fortune dẫn lời một số chuyên gia cho biết, số ca nhiễm bệnh không "đại diện đầy đủ" cho nguy cơ mắc bệnh ở “thời đại” của biến thể Omicron. Họ đề xuất rằng chính phủ nên ngừng sử dụng số liệu về số ca nhiễm bệnh hàng ngày làm thước đo chính.

Một số quốc gia hiện cũng đang triển khai một cách tiếp cận không tập trung vào đếm số ca nhiễm. Ví dụ, cơ quan y tế tỉnh Nova Scotia (Canada), thay vì xác định và quản lý mọi ca nhiễm biến thể Omicron, đã chuyển sang tập trung nỗ lực và nguồn lực vào các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng địa phương.

Tây Ban Nha cũng dự định bỏ đếm số ca nhiễm bệnh hàng ngày, trong khi Singapore đang coi số ca nhiễm bệnh là chỉ số ít quan trọng hơn, theo Tạp chi Fortune. Còn theo Hawaii Public Radio, Philippines đã ngừng đăng thông tin cập nhật số ca nhiễm bệnh trên phương tiện truyền thông xã hội.

Theo chuyên gia y tế của Malaysia, dữ liệu về số ca nhập viện sẽ phản ánh tốt hơn mức độ nghiêm trọng hiện tại của đại dịch. Ảnh: Free Malaysia Today

Tiến sĩ Amar cho rằng, Malaysia vẫn nên theo dõi số ca nhiễm vì cần phải giữ con số này ở mức thấp nhất có thể để giảm thiểu rủi ro của Covid kéo dài (long Covid).

Theo ông, mối quan tâm hiện nay nên xoay quanh những trẻ em chưa được tiêm chủng và những người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc mắc bệnh mãn tính.

Gần 80% dân số Malaysia đã được tiêm phòng đầy đủ, và hơn 50% người trưởng thành đã được tiêm các mũi nhắc lại.

Nguy cơ một người lớn phải nhập viện do nhiễm biến thể Omicron sau khi được tiêm chủng đầy đủ là 1%, Tiến sĩ Amar lưu ý.

Hầu hết các ca nhiễm bệnh như vậy sẽ không cần chăm sóc tích cực (ICU), ông nói.

“Với sự thay đổi về tình trạng miễn dịch của người dân, chính phủ nên nhìn ít hơn vào số liệu tổng số ca nhiễm và chuyển sang tập trung vào và báo cáo về số ca nhập viện”, Tiến sĩ Amar nhận định.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Đại học Sunway, Tiến sĩ Sibrandes Poppema, một nhà nghiên cứu miễn dịch học, cho biết việc ngừng theo dõi số ca nhiễm hàng ngày sẽ là cố tình từ chối chấp nhận “sự thật khó chịu” về Covid-19 khi nó vẫn chưa phải là bệnh đặc hữu.

Ông cho rằng vẫn cần phải đếm và sắp xếp các mẫu bệnh đầy đủ để biết những biến thể nào đang gây bệnh.

"Omicron có thể gây ra các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, nhưng Delta đã không bị đánh bại, và không có gì đảm bảo các biến thể mới và nghiêm trọng hơn không xuất hiện", ông nhận định.

Minh Đức (Theo Free Malaysia Today, Bloomberg)