Dân sinh

BVTW Huế lên đường vào tâm dịch xây dựng khu điều trị ca Covid-19 nặng

Các lãnh đạo chủ chốt của bệnh viện Trung ương Huế đã đích thân lên đường vào TP.HCM để xây dựng một trung tâm hồi sức tích cực điều trị ca Covid-19 nặng.

Diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở TP.Hồ Chí Minh với số lượng ca nhiễm tăng nhanh, trong đó có nhiều ca nặng. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã khẩn trương điều các bệnh viện hạng đặc biệt tuyến trung ương thiết lập khẩn cấp 3 trung tâm hồi sức tích cực tại TP.Hồ Chí Minh.

Trong đó, bệnh viện Trung ương Huế được giao thành lập trung tâm hồi sức tích cực có quy mô 500 giường bệnh, đặt tại số 2 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. 

Mấy ngày qua, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế dưới sự chủ trì của GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV đã họp bàn kỹ lưỡng thống nhất về khâu thiết kế trung tâm, cũng như lên các phương án nhằm đảm bảo trung tâm hoạt động một cách hiệu quả nhất.

Ban Giám đốc BVTW Huế họp bàn thống nhất khâu thiết kế, xây dựng hoạt động của trung tâm trước khi lên đường vào TP.Hồ Chí Minh.

Vào chiều nay (2/8), Giám đốc BVTW Huế cùng 1 Phó giám đốc, 1 bác sỹ cùng 2 kỹ sư, cán bộ đã lên đường vào TP.Hồ Chí Minh để xây dựng, thiết lập hoạt động của trung tâm này.

Đoàn đi còn mang theo số lượng lớn các trang thiết bị, y tế, thuốc men, vật tư, hoá chất phục vụ công tác điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng.

Trung tâm hồi sức Covid-19 Trung ương Huế tại TP.Hồ Chí Minh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và sử dụng chung tài khoản của Bệnh viện Trung ương Huế để triển khai các hoạt động. Đây là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19 tại TP.HCM, có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực được phân công.

Đoàn còn mang theo vào TP.Hồ Chí Minh lần này nhiều thuốc men, hoá chất, vật tư y tế để phục vụ công tác điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng.

“Vấn đề chính cần quan tâm nhất của TP.Hồ Chí Minh tại thời điểm này là phải cứu chữa được các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong. Chúng tôi sẽ cố gắng thiết kế một trung tâm có công năng tối ưu nhất, vừa đảm bảo phối hợp hoạt đông nhịp nhàng, hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nặng, vừa đảm bảo các biện pháp phòng dịch để không bị lây nhiễm chéo. Dự kiến trong vài ngày tới trung tâm sẽ chính thức đi vào hoạt động”, GS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ.