Môi trường

Bước ngoặt của thợ săn thú khét tiếng bỏ nghề thành người bảo vệ rừng

Hơn nửa đời đi săn thú rừng, giết hại hàng nghìn động vật hoang dã, thế nhưng đến nay anh Lương Văn Kính lại làm nhiệm vụ bảo vệ rừng khiến ai cũng bất ngờ.

“Lâm tặc” hoàn lương

Đến Vườn quốc gia Pù Mát nghe đến chuyện của anh Lương Văn Kính (SN 1977), bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An khiến tôi vô cùng hiếu kỳ. Thế nhưng, sau rất nhiều lần lỡ hẹn do anh Kính ở biền biệt trong rừng sâu thì giáp Tết Nguyên đán, tôi mới liên hệ được với người đàn ông này.

Giải thích về những thay đổi của mình, anh Kính lại xua tay nói rằng: “Thực ra mình là một con người mắc tội. Vì vậy, giờ phải trả nợ cho cuộc sống, cho khu rừng đã bị mình săn bắt đến cạn kiệt thú hoang. Dù công việc không dễ dàng nhưng mình vẫn phải cố gắng hết sức”.

Anh Kính đang tháo những chiếc bẫy thú rừng.

Anh Lương Văn Kính là một người con của đồng bào Thái, sinh ra và lớn lên ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Vì vậy, không những các con đường mòn mà cả ngọn cỏ, bụi cây trong rừng đều vô cùng thân thuộc với anh! Cùng với phong tục, tập quán nơi đây, vào năm 4 tuổi thì anh Kính đã theo bố đi săn những con thú đầu tiên.

“Mọi thức ăn của gia đình đều lấy từ rừng, không những thịt mà kể cả rau cỏ, măng rừng. Vì vậy, tôi học được rất nhiều kỹ thuật săn bắn và đánh bẫy. Thời điểm đó, thú rừng đang còn rất nhiều, chỉ cần đứng ở bìa rừng cũng thấy sóc đang nhảy trên cây. Buổi tối còn nghe tiếng hổ gầm, thỉnh thoảng còn thấy voi về phá”, anh Kính kể.

Đến tuổi thanh niên, anh Kính đã nổi tiếng bởi tài săn bắn, trở thành thợ săn khét tiếng. Gần như tất cả thịt thú rừng anh Kính đều đã ăn qua. Vậy nên anh cũng chẳng nhớ đã ăn bao nhiêu con thú trong rừng nữa. Bởi đó gần như là món ăn hàng ngày của gia đình anh.

Anh Kính dẫn đồng đội đi tuần tra.

Do quá quen thuộc địa hình, nên có một thời gian anh cũng trở thành “lâm tặc” khi bị bạn bè rủ rê đi vào sâu trong rừng chọn những cây gỗ to nhất để hạ, đem ra ngoài bán.

“Thời điểm đó, chúng tôi chặt hạ, cưa xẻ chủ yếu bằng tay. Quá trình xẻ thành những tấm gỗ, rồi vận chuyển số gỗ này ra ngoài để bán mất khoảng 1 tháng. Thời đó, cứ mỗi khối gỗ bán được 300.000 đồng. Tính ra, bán 15-20 khối gỗ thì mỗi người cũng thừa sức mua được 1 con bò. Bán hết gỗ, tiêu hết tiền, cả nhóm lại vào rừng tìm gỗ quý đốn hạ tiếp”, anh Kính nhớ lại.

Có tiền nên anh dùng vào việc ăn chơi và điều tất yếu là dính vào ma túy. Cũng chính vì tệ nạn này mà sức khỏe của anh bị tàn phá nặng nề. Từ một thanh niên trai tráng, chỉ sau vài năm anh gầy rộc hẳn đi, khi nào cũng rơi vào trạng thái buồn ngủ, mệt mỏi. Bao nhiêu tiền bạc kiếm được nướng vào ma túy nên tài sản cũng vì thế mà lần lượt ra đi.

Trở về nhà sau nhiều ngày đi chơi, thấy vợ con nheo nhóc, đây cũng là lúc anh giật mình tỉnh ngộ và quyết tâm cai nghiện. Anh vào trong rừng dựng một cái lán, mỗi lần “lên cơn” thì lại tự trói mình lại. Nghị lực phi thường đã khiến cho anh cai nghiện thành công, nhưng lúc này cuộc đời của anh cũng trở về tay trắng.

Anh Kính cùng anh em đồng nghiệp bảo vệ động vật hoang dã.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Anh Lưu Trung Kiên, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát nhớ lại: “Thực ra tôi biết anh Kính từ rất lâu rồi, từ hồi còn là cán bộ mới về đang tiến hành nghiên cứu rừng Pù Mát. Do lúc đó anh Kính vẫn đang là đại ca khét tiếng ở đây nên ai cũng biết. Nhưng phải đến năm 2016, trong một lần gặp tôi mới biết anh Kính không còn như trước nữa, nhưng kinh nghiệm về rừng núi thì không ai bằng anh cả, vì vậy tôi quyết định mời anh về làm bảo vệ rừng”.

Nói về việc này, anh Kính cho hay, từ những năm 2000, thời điểm các lực lượng chức năng đẩy mạnh truy quét lâm tặc nên anh bị bắt nhiều lần. Vì vậy, khi gặp Phó Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát đề nghị việc làm hướng dẫn cho các đoàn nghiên cứu đi sâu vào rừng thì anh lập tức đồng ý ngay mà không cần suy nghĩ.

“Đã đến lúc tôi nên hoàn lương. Tôi nghĩ vậy nên nhận lời anh Kiên ngay. Lúc đầu tôi làm nhiệm vụ dẫn đường cho các đoàn nghiên cứu, sau đó kiêm thêm cả việc gùi hàng vì họ không có khả năng đi rừng nhiều ngày. Lúc đó tôi không có lương chính thức nhưng số tiền họ trả công cũng đã lên đến 300.000 – 500.000 đồng/ngày rồi”, anh Kính cho biết.

Đội anh Kính thảo luận kết quả tuần tra tại lán.

Sau một thời gian dẫn đoàn, anh Kiên tiếp tục đề nghị anh Kính tham gia đội bảo vệ động vật hoang dã Pù Mát ra đời từ năm 2018, do Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife – SVW) tổ chức. Vậy mà lời đề nghị này khiến anh Kính lại trằn trọc nhiều đêm với nhiều câu hỏi không dễ trả lời.

“Việc không chặt cây rừng nữa anh Kiên nói là đúng nên tôi nghe theo. Nhưng việc không săn bắn thì khó lắm. Tôi hơn nửa đời sống bằng nghề săn bắn, với lại cả bản làng của tôi cũng như vậy. Nếu tham gia vào đội thì sẽ đi ngược lại với việc làm của người dân khiến cho họ ghét. Mình mà gỡ hết bẫy của dân thì họ có để yên không”, anh Kính nói ra suy nghĩ lúc đó.

Thế nhưng, chính lúc này anh cũng nhận ra thú rừng suy giảm mạnh do việc đánh bắt bừa bãi. Mỗi lần vào rừng, anh không còn thấy các động vật lớn ở đâu nữa, voi cũng bỏ đi nơi khác, hươu nai cũng mất hút. Vì vậy, anh đã quyết tâm phải cứu lấy rừng nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

“Cái rừng của mình, vì vậy mình phải giữ lấy”, anh nói đơn giản nhưng đó là cả sự quyết tâm vô cùng lớn. Cũng từ đó, anh tham gia với đội đi tháo gỡ toàn bộ bẫy rừng, tiến hành giải cứu thú rừng. Thậm chí, anh là thành viên tích cực nhất trong việc tuyên truyền người dân không nên săn bắn bữa bãi nữa.

Những chuyến tuần tra kéo dài 7 - 10 ngày trong rừng sâu.

Thân hình gầy gò nhưng sức khỏe và kinh nghiệm đi rừng của anh Kính khiến đồng đội phải kinh ngạc. Đi hàng chục cây số trong rừng nguyên sinh rậm rạp, dốc cheo leo, nhưng “người rừng” Lương Văn Kính không bao giờ cần đến la bàn hoặc bản đồ.

Anh nói chỉ nhìn tán rừng và lớp rêu mọc trên thân cây rừng là nhận biết được các hướng. Để không bị phát hiện, những người đi rừng như anh chẳng khác lính đặc công, “đi không dấu, nấu không khói”, khi luồn rừng không để lại dấu vết.

Đặc biệt, tất cả mánh khóe đặt bẫy của thợ săn đều không qua mặt được anh. Những kinh nghiệm đi rừng và cách phát hiện, đối mặt với lâm tặc, thợ săn ở Pù Mát đã được anh Kính truyền lại cho đồng đội. Chỉ trong thời gian ngắn, đội bảo vệ động vật hoang dã Pù Mát đã phá hủy hàng chục nghìn chiếc bẫy, cứu được rất nhiều động vật hoang dã.

Anh Lưu Trung Kiên vui vẻ cho hay: “Giờ đây anh Kính đã trở thành một người bảo vệ rừng vô cùng quan trọng của cả đội. Chúng tôi cũng đang đề xuất để phía trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam tặng giấy khen vì những công sức mà anh đóng góp trong thời gian qua”.