Tài chính - Ngân hàng

Bùng nổ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, năm 2022 liệu còn sôi động?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vươn lên trở thành kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế, bên cạnh kênh dẫn vốn truyền thống là ngân hàng, chứng khoán...

Bên cạnh dòng vốn tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu cũng là một trong những kênh huy động vốn quan trọng với các doanh nghiệp trên thị trường tài chính.

Phát hành trái phiếu tăng mạnh

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận sự bùng nổ về khối lượng phát hành kể từ năm 2019 đến nay, sau khi Nghị định 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực.

Cụ thể, năm 2018, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành đạt khoảng 238.357 tỷ đồng, trong đó 224.435 tỷ là phát hành riêng lẻ. Đến năm 2019, tổng khối lượng phát hành đã tăng lên 332.852 tỷ đồng, tương ứng tăng tới 48%, với 93% trong đó vẫn là phát hành riêng lẻ. Năm 2019 cũng đánh dấu mốc ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu vượt lượng phát hành trái phiếu Chính phủ.

Trong các năm tiếp theo, khối lượng phát hành trái phiếu mỗi năm vẫn liên tục tăng nhanh, đạt 466.826 tỷ vào năm 2020, ngay cả khi thị trường đã có các chính sách siết chặt điều kiện, quy định với hoạt động này, có thể kể đến Nghị định 153/2020/NĐCP.

Đến năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cả nước đạt 658.009 tỷ đồng, tăng 42% so với năm liền trước. Trong đó, hơn 30.000 tỷ đồng là trái phiếu phát hành ra công chúng, còn lại phần lớn là phát hành riêng lẻ. Tốc độ tăng trưởng bình quân của trái phiếu vào khoảng 46%/năm trong 5 năm gần nhất.

Tuy nhiên, đến Nghị định 153, các quy định trên đều được gỡ bỏ. Thay vào đó, Nghị định 153 chỉ yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn; thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong ba năm liên tiếp.

Doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các tỉ lệ an toàn tài chính, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận và có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.

VNDirect cho rằng điều này tạo cơ hội cho thị trường  trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại khi một số vướng mắc về quy định được Nhà nước tháo gỡ. 

Còn FiinGroup cho rằng ​​chủ trương giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng thương mại và các quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc kiểm soát hạn mức tín dụng cho ngành bất động sản khiến kênh trái phiếu dần trở thành nguồn cung cấp dòng vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng truyền thống.

Điều này thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vươn lên trở thành kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế bên cạnh kênh dẫn vốn truyền thống là tín dụng của ngân hàng thương mại và huy động vốn cổ phần từ thị trường chứng khoán bởi tính linh động và thuận lợi của việc điều chuyển vốn, mặc dù đang có những dự thảo thay đổi về khung pháp lý liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ có thể tác động tới hoạt động phát hành trên thị trường trong thời gian tới.

FiinGroup cũng cho rằng triển vọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 vẫn sẽ sôi động khi khoảng 60% giá trị trái phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn trong năm 2023-2024, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. "Do đó, nhu cầu tái tài trợ các khoản trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giai đoạn 2023-2024 sẽ diễn ra mạnh mẽ trong ngay trong năm nay" - FiinGroup nêu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây cũng đã ban hành công điện về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo nội dung công điện, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp, tuy nhiên, thời gian vừa qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những vi phạm pháp luật và đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nội dung công điện yêu cầu Bộ trưởng Công an chỉ đạo công an các địa phương khẩn trương điều tra, xác minh xử lý nghiêm vi phạm. Việc này nhằm đảm bảo việc phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, minh bạch.

Bộ Công an cũng khẩn trương ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng, vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường. Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp. Hai cơ quan này cần chủ động rà soát, có kịch bản ứng phó để phát triển thị trường và ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước giám sát, thanh tra các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, đầu tư, phân phối trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, hoặc kết quả kinh doanh thua lỗ, không có tài sản đảm bảo...

Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán thanh tra, giám sát việc phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu. Các cơ quan này cũng rà soát lại các quy định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Việc này nhằm sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch; và đưa ra chế tài cảnh báo sớm, quản lý rủi ro thị trường.