Cộng đồng mạng

Bức họa 2.500 tỷ đồng tự đi về bảo tàng sau 23 năm lưu lạc

Bức họa Portrait of a Lady từng bị đánh cắp của họa sĩ Gustav Klimt bất ngờ xuất hiện dưới gốc cây ở bảo tàng.

Sự kiện bức tranh kiệt tác Portrait of a Lady bị đánh cắp khi chưa ra mắt công chúng đã gây ra chấn động lớn trong năm 1997.

Không ai biết được làm cách nào tên đạo chích đã lấy cắp bức tranh trong khu vực camera an ninh dày đặc cùng hệ thống lazer tiên tiến bậc nhất lúc bấy giờ ở phòng trưng bày nghệ thuật hiện đại Ricci Oddi, thành phố Piacenza, miền Bắc nước Ý.

Bức tranh nghìn tỷ tự tìm về bảo tàng sau hơn 20 năm thất lạc.

Hơn 20 năm sau, vào một ngày tháng 12/2019, nhóm người làm vườn khi đang cắt cỏ bỗng phát hiện ở dưới gốc cây thường xuân là một túi rác đen có chứa bức tranh phủ bụi, họ liền mang vào bảo tàng để báo với cấp trên, mọi người ngỡ ngàng phát hiện ra đây chính là bức họa Portrait of a Lady.

Chuyên gia nghệ thuật Guido Cauzzi cùng Giám đốc Massimo Ferrari đã nghiên cứu tác phẩm dưới ánh sáng hồng ngoại và tia cực tím, so sánh hình ảnh với những bức ảnh được chụp trong các thử nghiệm được thực hiện vào năm 1996.

Chuyên gia nghệ thuật Anna Sell đã kiểm tra khung của bức tranh, cũng như các con dấu và nhãn ở phía sau và nói rằng tất cả là dấu hiệu chứng minh đây là bản vẽ gốc.

Theo các nhà lãnh đạo của bảo tàng, bức họa có kích cỡ 55x65 cm, trị giá khoảng 67 triệu USD đến 111 triệu USD (tương đương 1.500 tỷ đồng đến hơn 2.500 tỷ đồng).  

Bức tranh Portrait of a Lady được họa sĩ người Áo Gustav Klimt vẽ vào những năm 1916 – 1917, bức tranh vẽ một người thiếu nữ với mái tóc nâu trên nền xanh ngọc lục bảo, đôi mắt của nàng là một bí ẩn lớn khiến giới nghệ thuật tốn không ít giấy mực.

Năm 1925, tác phẩm được nhà sưu tầm tranh Giuseppe Ricci Oddi mua lại và trưng bày tại Piacenza cho đến khi bị lấy cắp vào ngày 22/2/1997, ngay trước thời điểm nơi này sắp diễn ra một triển lãm đặc biệt.

Tình trạng của bức tranh sau hơn hai thập kỷ "lưu lạc" vẫn nguyên vẹn. Các chuyên gia nghệ thuật đang cố gắng để sớm trưng bày bức tranh trở lại sàn Ricci Oddi. Phòng trưng bày nghệ thuật hiện đại Ricci Oddi, lấy tên từ một nhà sưu tập nghệ thuật người Piacenza, là nơi trưng bày nhiều kiệt tác hội họa. Nơi đây có tới 450 bức tranh có tuổi đời từ thế kỷ 19.

Nguyên Anh (Nguồn The Guardian)