Ngôi sao

Bức ảnh mẹ con đoạt giải gần 3 tỷ đồng bị nghi dàn dựng: Sự thật trần trụi và chiến thắng “ăn may”

Bức ảnh chụp chân dung mẹ con người dân tộc H’Mong ở Yên Bái của nhiếp ảnh gia Malaysia Edwin Ong Wee Kee đoạt giải nhất cuộc thi Nhiếp ảnh quốc tế Hamdan (HIPA) với trị giá 120.000 USD (gần 3 tỷ đồng Việt Nam) đang là chủ đề gây ra tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội.

Theo ban tổ chức của cuộc thi HIPA, bức ảnh của Edwin Ong Wee Kee mang tính nhân văn rất cao, thể hiện được tình yêu của người mẹ Việt Nam dành cho con của mình. Bà bị khuyết tật, nhưng vẫn luôn có niềm hi vọng vào những người con, giúp chúng có thêm niềm tin vào cuộc sống. Đây cũng chính là lý do mà BTC đã quyết định vinh danh bức ảnh này tại cuộc thi vì chủ đề năm nay là "Hope - Hi vọng".

Nhiếp ảnh gia Edwin Ong Wee Kee cũng chia sẻ trên PDNPulse rằng, bức ảnh ông chụp được từ chuyến đi đến Việt Nam gần đây. Ảnh chụp bên đường và không có lên kế hoạch trước. Nó xuất hiện tại một điểm dừng ngẫu nhiên.

Sẽ không có gì đang bàn cãi về giải thưởng mà nhiếp ảnh gia Malaysia nhận được, nếu ngay sau đó không xuất hiện một bức ảnh hậu trường được đăng tải bởi Ab Rashid - một nhiếp ảnh gia và nhà sáng lập tạp chí BD Stress đã “bóc mẽ” sự thật trần trụi. Qua bức ảnh hậu trường này, nhiều ý kiến cho rằng, hình ảnh đoạt giải đã có sự dàn xếp, chứ không phải khoảnh khắc ngẫu nhiên. Thậm chí, trong khung hình còn có rất nhiều nhiếp ảnh gia khác cũng đang chụp chung, chứ không chỉ có riêng nhiếp ảnh gia Edwin Ong Wee Kee.

Bức ảnh đoạt giải 120.000 USD (gần 3 tỷ đồng) của nhiếp ảnh gia Edwin Ong Wee Kee.

Bức ảnh hậu trường "sáng tác" hé lộ một sự thật hoàn toàn khác về hình ảnh đoạt giải.

Đành rằng, giải thưởng HIPA không phải là giải về nhiếp ảnh báo chí, nên bức hình trên không phạm bất cứ điều luật nào. Thế nhưng, việc một hình ảnh đoạt giải thưởng nhiếp ảnh danh giá, với số tiền lên tới 120.000 USD là ảnh dàn dựng đã khiến nhiều người thất vọng. Bởi, đây không phải là ảnh đời thường, thì liệu ý nghĩa, giá trị nội dung của nó còn được nguyên vẹn?

Đánh giá về bức ảnh đoạt giải, nhiếp ảnh gia DzũngArt cho rằng: “Nhìn tổng thể, tôi thấy đây là một bức ảnh đẹp, ổn và được. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là một bức ảnh quá xuất sắc. Bởi, thứ cảm xúc đó tôi cũng đã gặp quá nhiều và quá quen thuộc rồi. Trong các cuộc thi ảnh tại Việt Nam, những bức ảnh có bối cảnh như: Những bà mẹ dân tộc miền núi, bà mẹ Tây Nguyên với gương mặt khắc khổ, đầy nếp nhăn, lam lũ, đau khổ,… không còn xa lạ. Tuy nhiên, việc bức ảnh này được trao giải Nhất còn tùy thuộc vào tiêu chí của cuộc thi”.

Nhiếp ảnh giả DzũngArt bày tỏ quan điểm về bức ảnh chụp ba mẹ con dân tộc đoạt giải gần 3 tỷ đang gây tranh cãi.

Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia DzũngArt bày tỏ sự thất vọng khi nhìn thấy bức ảnh hậu trường “sáng tác” của hình ảnh đoạt giải này. “Ban đầu khi nhìn thấy bức ảnh đoạt giải, tôi cũng đã nghĩ ngay tác giả phải dàn dựng rất kĩ, chứ không thể là chớp khoảnh khắc. Tất nhiên, trong nhiếp ảnh, việc sắp xếp, dàn dựng để có được một bức ảnh đẹp chắc chắn có. Hầu hết những bức ảnh dự thi đều có sự dàn xếp, kể cả những ảnh báo chí tưởng chừng như khoảnh khắc nhưng đôi khi lại không phải.

Tuy nhiên, khi nhìn thấy bức ảnh hậu trường, thực sự tôi đã tụt cảm xúc, không còn chút hứng thú gì nữa. Nếu trường hợp, một mình nhiếp ảnh gia Malaysia tự bày đặt, dàn dựng để chụp, thì còn có thể chấp nhận được, chứ không nghĩ tới mức có nhiều người xúm xít để “sáng tác”. Một sự thật quá trần trụi!”.

Tác giả “Mùa nắng phai” cũng thẳng thắn cho rằng, việc nhiếp ảnh gia này đoạt giải chỉ là sự ăn may và không xứng đáng. “Tôi thấy, trong số những nhiếp ảnh gia cùng “sáng tác”, thì việc nhiếp ảnh gia người Malaysia đoạt giải chỉ là sự ăn may. Có thể, nhờ việc xử lý hình ảnh, ánh sáng, photoshop tốt, thì họ đoạt giải thôi. Bởi, biết đâu trong số những nhiếp ảnh gia còn lại, có người còn chụp đẹp hơn thế, nhưng họ giữ cho riêng mình hoặc không dự giải này. Còn khi nhìn thấy bức ảnh hậu trường, thì giá trị hình ảnh đoạt giải không còn có ý nghĩa gì nữa”.