Ngôi sao

BTV Hoài Anh trải lòng về góc khuất ít người biết của nghề dẫn chương trình truyền hình

Những chia sẻ chân thành của BTV Hoài Anh giúp khán giả hiểu hơn về khó khăn, góc khuất của nghề dẫn chương trình truyền hình.

Với những người thường xuyên theo dõi bản tin Thời sự 19 giờ của đài truyền hình Việt Nam, Hoài Anh không phải là cái tên xa lạ. Cô là một trong những gương mặt dẫn chương trình hiếm hoi nói giọng miền Nam. Nhiều năm gắn bó với nghề Hoài Anh nhận được sự yêu mến của khán giả, sự công nhận của đồng nghiệp nhờ chất giọng ngọt ngào và lối dẫn dắt có duyên.

Đêm qua, trên trang cá nhân, BTV Hoài Anh gây chú ý với dòng trạng thái hé lộ những góc khuất không hề lung linh và đơn giản chỉ là “đọc chữ nhận lương” như nhiều người lầm tưởng. Cô viết:

"Có ai đó đã từng nghĩ rằng chúng tôi lúc nào cũng lung linh, công việc dễ dàng, suốt ngày ăn mặc trang điểm đẹp đẽ, rồi lên hình, nói mấy câu là xong việc, mà chỉ toàn là đọc, chứ không cần nghĩ... Tôi xin không nói gì về mình, chỉ xin nói 1 lời về những người thân của chúng tôi: họ là những người thiệt thòi, và xứng đáng được trao tặng danh hiệu "anh hùng lao động"! Họ vừa là đặc công, vừa là du kích..., có thể nằm (hoặc ngồi xổm) bám sát địa bàn (cổng đài) suốt nhiều giờ đồng hồ, thậm chí nhiều ngày dài... để hoàn thành nhiệm vụ đưa đón và bảo vệ yếu nhân (tức nhân mà hơi yếu).

Về bản thân mình, thực tế là, giờ này, tôi vẫn còn đang ở cơ quan, để dựng phóng sự, viết kịch bản, đôi khi là nuôi nấng ý tưởng cho những phóng sự tiếp theo. Còn ở đằng kia, 1 đồng nghiệp dẫn khác, lúc này, đang biên tập lời dẫn lần cuối trước khi chuẩn bị lên sóng bản tin cuối cùng trong ngày, bản tin 23h. Đó là những công việc thường xuyên mà chúng tôi luân phiên nhau đảm nhiệm”.

Hoài Anh chia sẻ thêm, không chỉ MC mà cả những anh chị em làm công việc biên tập, kỹ thuật, tổ chức sản xuất cũng vô cùng vất vả. Gần 12h đêm họ vẫn ngồi bên những chiếc máy, mỗi người một việc cho đến hết bản tin khuya, có những người còn làm đến tận 1-2h sáng.

Cuối cùng nữ BTV nhấn mạnh: “Và, những lời chúng tôi "đọc" trên sóng, là bao nhiêu chắt chiu, chọn lọc, cân nhắc, của chúng tôi, và còn của bao nhiêu người... Yêu và trăn trở với từng câu chữ lời dẫn, như yêu từng lời thầm thì của người yêu, như yêu một bức thư tình ấy, bạn ạ".

Bài đăng của Hoài Anh nhận được nhiều tương tác, bình luận của bạn bè, đồng nghiệp và khán giả: “Đây là một nghề vinh dự, tự hào; nhưng không ít gian nan! Chúc em luôn xinh đẹp, mạnh khỏe, hạnh phúc! Chúc em tiếp tục phát triển và cống hiến cho Đảng, Nhà nước và nhân dân!”, "Ôi còn những hôm dẫn chào buổi sáng nữa chị nhỉ. Dù mưa gió rét mướt thì cũng 4 giờ sáng là hớt hơ hớt hải dậy lên Đài", "Thương quá. Nghề mình cũng gần giống nhau đó Hoài Anh, người ta chơi mình làm mà người ta làm mình rảnh mới chơi, gia đình và người thân là người chịu đựng và ủng hộ mình. Tôi mới nghiệm ra đc điều này cách đây gần 3 tháng"…

Quả thật để có được một chương trình hoàn thiện, chất lượng Hoài Anh cùng các đồng nghiệp đã đầu tư không ít công sức, thời gian. Cô cũng từng chia sẻ về vấn đề này trên Tiền Phong: “Mỗi ngày, Ban Thời sự có rất nhiều cuộc họp để chọn đề tài, tổ chức sản xuất, chọn tin bài cho các bản tin trong một ngày hôm đó, lên kế hoạch sản xuất cho ngày hôm sau. Một ngày, chúng tôi có hơn chục bản tin phát trực tiếp, và rất nhiều chuyên mục liên tục từ sáng sớm đến khuya, nên lượng tin bài rất lớn, cần phải xử lý nhanh chóng để kịp thời gian phát sóng, nhưng cũng phải thật kỹ lưỡng từng câu từ để đảm bảo tính chính xác.

Với các biên tập viên dẫn chương trình, ngoài các cuộc họp liên quan đến các bản tin mình dẫn, trước khi lên sóng trực tiếp, chúng tôi dành nhiều thời gian để biên tập nội dung, kịch bản, viết lời dẫn, viết headlines, kết nối tin bài, kiểm tra lại các thông tin nguồn để đảm bảo tính chính xác một lần nữa”.

Minh Hoa (t/h)