Kinh tế vĩ mô

Bà Rịa-Vũng Tàu và giải pháp cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Theo dự thảo của Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tỉnh này đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp.

Phấn đấu hoàn thành công nghiệp hóa trước năm 2030

Ngày 2/3, tin từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa chủ trì cuộc họp nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) báo cáo dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo dự thảo, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển một số sản phẩm công nghiệp chế biến có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; trở thành địa phương đứng trong tốp đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người.

Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân; kinh tế số trở thành nền tảng cốt lõi thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ và xây dựng xã hội an toàn, nhân văn, thịnh vượng.

Tàu trọng tải lớn cập cảng để bóc dỡ hàng tại cảng Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). (Ảnh: M.K).

Tầm nhìn đến năm 2045, địa phương phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại và một trong những tỉnh có mô hình phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như: đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng.

Ðẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội…

Từng bước hoàn thành một số định hướng

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong những năm qua địa phương này đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cụ thể, định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2020 đã dần thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giảm dần sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai thác dầu khí. Quy mô nền kinh tế đến năm 2020 cả dầu khí (theo giá hiện hành) đạt 309.730 tỷ đồng, gấp 6,6 lần so với năm 2001.

Trong đó, dầu khí chiếm tỷ trọng 51,84%, giảm 12,5 điểm % so với năm 2001 (64,34%), cơ cấu kinh tế trừ dầu khí chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.

Giai đoạn 2001-2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cơ cấu ngành công nghiệp, chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng dần tỷ trọng ngành sản xuất chế biến, chế tạo; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP (trừ dầu khí) đến năm 2020 chiếm 35,82%, trong cả giai đoạn 2016-2020 chiếm 33,96%.

Đến nay, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 87,85% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí.

Hạ tầng giao thông được chú trọng phát triển đồng bộ những năm qua. Trong ảnh, Quốc lộ 51 tuyến giao thông huyết mạch của Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: M.K).

Hạ tầng giao thông kết nối đến nay cơ bản hoàn thành khung kết cấu chung về hạ tầng giao thông đồng bộ giữa trung tâm của tỉnh, huyện và các khu đô thị, các tuyến đường kết nối với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và tiến tới nâng cao kết nối đồng bộ vùng Đông Nam Bộ và liên vùng.

Công tác bảo vệ và cải thiện môi trường được chú trọng, bảo đảm sự phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa: 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường đạt; 100% các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải; tỷ lệ chất thải rắn thu gom, đã xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia…

Chương trình xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm, đến nay địa phương này đã đạt được 47/47 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đã hoàn thành việc đưa lưới điện quốc gia về nông thôn, tiếp nhận lưới điện trung, hạ thế, xóa công tơ tổng để bán điện trực tiếp đến từng hộ dân, tỷ lệ số hộ dân sử dụng điện năm 2022 đạt 99,9%. Hiện, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành xóa hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Gio Linh