Tài chính - Ngân hàng

BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thu gần 7 tỷ đồng mỗi ngày

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng có 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

Mới đây, Tổng cục Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa công bố tổng doanh thu và tổng lưu lượng phương tiện qua các tuyến cao tốc trong quý I/2021.

Theo đó, cả nước có 62 dự án BOT giao thông, trong đó 8 dự án đang tạm dừng thu phí. Như vậy, chỉ còn 54 dự án BOT đang thực hiện thu phí hoàn vốn.

Số liệu thống kê cho thấy doanh thu từ 54 trạm BOT đang thu phí trong 3 tháng đầu năm 2021 là hơn 3.294 tỷ đồng, lưu lượng đạt hơn 58 triệu lượt xe.

Cụ thể, tháng 1 có tổng thu hơn 1.157 tỷ đồng với 21 triệu lượt xe, tháng 2 có tổng thu hơn 929 tỷ đồng với 17 triệu lượt xe và tháng 3 có tổng thu từ các trạm thu phí trên địa bàn cả nước là hơn 1.200 tỷ đồng với gần 20 triệu lượt xe.

Đứng đầu các dự án thu phí là dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tổng doanh thu trong quý I hơn 620 tỷ đồng, tính trung bình mỗi ngày đơn vị này thu gần 7 tỷ đồng doanh thu. Trong đó, các trạm trên cao tốc có doanh thu hơn 420 tỷ đồng, số còn lại là doanh thu của các trạm trên QL5.

 

 

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Cao tốc đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). 

Mức phí đang được áp dụng trên tuyến này hiện khá cao (thấp nhất 190.000 đồng một lượt cho xe dưới 9 chỗ ngồi chạy toàn tuyến). Được xem là đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, dự kiến, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ mãn tải vào sau 18 năm khai thác.

 

 

Đứng vị trí thứ 2 là dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với doanh thu hơn 205 tỷ đồng và dự án nâng cấp mở rộng QL51 khi cùng đạt doanh thu hơn 205 tỷ đồng. Đứng thứ 3 là dự án xây dựng hầm Đèo Cả trên QL1 với doanh thu hơn 188 tỷ đồng.

Đứng cuối bảng trong danh sách 54 trạm là 2 dự án đầu tư xây dựng tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức hợp đồng BOT; và dự án xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C với doanh thu lần lượt là hơn 8,1 tỷ đồng và hơn 8,3 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhận định, mức doanh thu cao trong quý I/2021 nhờ vào lưu lượng phương tiện đi lại cao, tuy nhiên từ cuối tháng 4 tới nay lưu lượng bắt đầu giảm sút.

Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ của 62 dự án BOT năm 2020 là 12.636 tỷ đồng.

Cụ thể, quý I,II và IV năm 2020 mức doanh thu của 62 dự án BOT vẫn duy trì mức ổn định, trung bình 3.200 tỷ đồng, riêng quý 2 có mức doanh thu thấp nhất là gần 3.000 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngoài ra, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng "điểm tên" 8 dự án đang tạm dừng thu phí gồm: Dự án đầu tư Quốc lộ 1A đoạn tránh Thành phố Thanh Hóa dừng thu từ 10/8/2017.

Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 1A đoạn tránh Thành phố Hà Tĩnh dừng thu từ ngày 21/02/2019.

Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 - Km2014+000 tỉnh Tiền Giang theo hình thức Hợp đồng BOT.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến tránh 2 đầu cầu từ ngã 3 Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh thành phố Biên Hòa dừng thu từ ngày 24/8/2020.

Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ tỉnh Thái Bình và Tuyến tránh Đông Hưng: Hiện nay đang tạm dừng thu tại Trạm thu phí cầu Tân Đệ để di chuyển trạm ra vị trí mới tại tuyến tránh Đông Hưng.

Dự án nâng cấp, cải tạo QL1K theo hình thức hợp đồng BOT trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tp.HCM dừng thu từ ngày 31/10/2020.

Dự án Cải tạo nâng cấp QL 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên dừng thu từ ngày 14/10/2020.

Dự án Sửa chữa nâng cấp một số đoạn qua các thị trấn trên QL 20 dừng thu từ ngày 20/10/2020.

PHƯƠNG LY