Hồ sơ điều tra

“Bóng hồng” nào trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ được trả tự do ngay tại tòa?

Sau 3 tuần xét xử và nghị án, một phán quyết từ TAND tỉnh Phú Thọ đã được tuyên đối với 92 bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ. Trong số này, rất nhiều nữ bị cáo đã được nhận bản án khoan hồng của pháp luật.

“Bóng hồng” CNC được tuyên trả tự do ngay tại tòa

Căn cứ vào hồ sơ toàn diện vụ án cùng quá trình xét xử công khai, sau khi nghị án, HĐXX của TAND tỉnh Phú Thọ nhận định: Bị cáo Lưu Thị Hồng – nguyên TGĐ công ty CNC đã hoàn toàn thừa nhận hành vi phạm tội của mình đó là đã thực hiện sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương, nguyên Chủ tịch HĐTV CNC, ký các hợp đồng hợp tác phát hành phần mềm rikvip, thuê tên miền, đăng ký dịch vụ tin nhắn thương hiệu và tham gia ký đối soát doanh thu tổng cộng 4 tháng nhưng không được ăn chia, hưởng lợi nguồn thu do đánh bạc mà có.

Bị cáo Lưu Thị Hồng.

Song, với trách nhiệm là người đại diện (theo ủy quyền miệng của Nguyễn Văn Dương) đã ký Hợp đồng 010 ngày 1/4/2015 với VTC online và nghiệm thu hợp đồng ngày 18/4/2015 để công ty CNC phát hành phần mềm Win 2 ALL mà thực chất là game bài rikvip dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Lưu Thị Hồng xác định bản thân đã giúp sức cho Nguyễn Văn Dương.

Do vậy, tòa cấp sơ thẩm thấy đủ cơ sở khẳng định bị cáo Lưu Thị Hồng phạm tội Tổ chức đánh bạc, quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 249, Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 với vai trò đồng phạm giúp sức.

Bị cáo Hồng được hưởng một số tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, giúp sức không đáng kể, nhân thân tốt, bố mẹ là người có công với cách mạng, được tặng thưởng nhiều huân huy chương.

Về trách nhiệm hình sự, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lưu Thị Hồng mức án 1 năm 3 tháng tù, đúng bằng thời gian tạm giam, trả tự do cho bị cáo tại tòa; phạt bổ sung 30 triệu đồng.

Người thân của “ông trùm” Phan Sào Nam nghẹn ngào nhận án treo

Trong vụ án này, bị cáo Phan Sào Nam đã lôi kéo cả chị họ và dì ruột vào hoạt động phạm tội của mình.

Cụ thể, đối với Đỗ Bích Thủy (Giám đốc công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt), do có quan hệ con bá, con dì đối với Phan Sào Nam nên khi Nam hỏi mượn trụ sở để kinh doanh phần mềm trò chơi điện tử thì Thủy đã đồng ý.

Bị cáo Đỗ Bích Thủy.

Bản thân Thủy không rõ nội dung gì nhưng đã ký văn bản đối soát, giúp Nam quản lý một phần doanh thu từ hoạt động tổ chức đánh bạc. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Đỗ Bích Thủy hoàn toàn thừa nhận hành vi của mình. Hành vi của Thủy đã đủ yếu tố cấu thành tội Tổ chức đánh bạc với Phan Sào Nam.

Bị cáo Đỗ Bích Thủy không có tình tiết tăng nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Quá trình điều tra và tại phiên tòa thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp 50 tỷ đồng bất chính, hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, gia đình có công với cách mạng. Về sức khỏe, Thủy bị khối u, vừa mới cắt, nhân thân tốt nên xét thấy có đủ điều kiện cho bị cáo cải tạo ngoài xã hội.

Vì các lẽ trên, HĐXX xử phạt bị cáo Đỗ Bích Thủy 3 năm tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo, phạt bổ sung 100 triệu đồng.

Tiếp đến, bị cáo Phan Thu Hương - dì ruột Phan Sào Nam được xác định đã giúp cháu mình “rửa” 236 tỷ đồng có được từ hoạt động tổ chức đánh bạc thành tiền sạch bằng cách mua bán bất động sản nên bị truy tố về tội Rửa tiền. 

HĐXX cũng cân nhắc, việc bị cáo Hương giúp cháu phạm tội do có quan hệ ruột thịt, từng nuôi nấng Phan Sào Nam khi bố mẹ bị cáo ly dị, đây cũng là vấn đề cần xem xét, cân nhắc trong quá trình lượng hình. Mặt khác, tội Rửa tiền tuy được quy định từ lâu nhưng nhận thức của người dân về tội danh này có phần hạn chế. 

Vì các lẽ trên, tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phan Thu Hương mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Tương tự, một số bị cáo nữ khác trong vụ án cũng được tòa sơ thẩm cho hưởng án treo.