Tiêu điểm thế giới

"Bóng đen" Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib chưa xóa mờ, Nga lo "thùng thuốc súng" Mỹ bùng nổ ở Syria

Chưa giải quyết xong "bài toán Idlib", Nga đã đối mặt với nhiệm vụ mới là ngăn chặn các cuộc xung đột nguy hiểm giữa chính quyền Damascus và Mỹ ở đông bắc Syria. Nếu thành công, điều này cũng sẽ mang lại lợi thế đáng kể trước Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng Mỹ liên tiếp bị quấy phá ở đông bắc Syria.

Nguy cơ đụng độ

Một cơ sở quân sự của Mỹ ở đông bắc Syria, phía Đông Deir ez-Zor, đã bị nã đạn pháo vào ngày 19/8. Trước đó hai ngày, một cuộc đụng độ vũ trang khác đã xảy ra giữa một đội tuần tra Mỹ và các nhân viên quân sự Syria gần thành phố Qamishli thuộc tỉnh Hasakah liền kề.

Sau khi các bên giao tranh tại một trạm kiểm soát, một lính đặc nhiệm Syria đã thiệt mạng.Trong khi hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria cho biết người lính này thiệt mạng do hỏa lực từ trực thăng của Mỹ, phía Mỹ nói rằng hai bên chỉ va chạm trên bộ .

Những sự cố này được coi là một tín hiệu khó khăn khác cho Nga, quốc gia vốn đã đứng ở một vị trí rất rủi ro trong cái gọi là khu vực xuyên Euphrates. Moscow không có đòn bẩy cần thiết đối với chính quyền Syria để ngăn chặn các hành động khiêu khích giữa Syria và người Mỹ, cũng như không có đủ lực lượng để thực hiện các hoạt động quân sự hiệu quả trong khu vực.

Khu vực được đề cập là tả ngạn sông Euphrates, nơi quân đội Nga và Syria tiến vào mùa thu năm ngoái trên cơ sở thỏa thuận với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) nhằm ngăn chặn bước tiến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình.

Trong khu vực này, quân đội Nga và Syria không có toàn quyền kiểm soát lãnh thổ và hành chính. SDF do Mỹ hậu thuẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện, chưa kể đến các cơ sở quân sự của Mỹ.

Không giống như đội quân Mỹ đóng tại khu vực này, ba tiểu đoàn quân cảnh Nga ở khu vực xuyên Euphrates bị tước đi sự hỗ trợ trên không. Máy bay Nga không thể được triển khai nếu không có sự chấp thuận của Mỹ, quốc gia đang kiểm soát vùng trời phía đông bắc Syria.

Điều này khiến vị thế của lực lượng Nga và đồng minh Syria trở nên bấp bênh hơn trong trường hợp có thể xảy ra các cuộc đụng độ với các nhóm địa phương.

Trước đó, vào cuối năm 2019, nguy cơ leo thang ở phía đông bắc đã lên mức cao giữa Damascus và Quân đội Quốc gia Syria đối lập, lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Và giờ đây, nguy cơ đụng độ đang hiện hữu giữa quân đội Damascus với SDF.

Kể từ khi Mỹ quyết định ở lại miền Đông Syria, các chỉ huy SDF ngày càng ít có xu hướng thỏa hiệp với lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad.

Thùng thuốc súng

Nga đang có nhiệm vụ cản trở các cuộc đụng độ nguy hiểm ở đông bắc Syria.

Thời gian gần đây, đã có những sự nổi dậy của các bộ tộc ở đông Bắc Syria với mục đích tổ chức "cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của Mỹ và lính đánh thuê", tạo nên xung đột với SDF.

Theo Al-Monitor, đây có thể là những lực lượng đứng sau vụ pháo kích vào cơ sở quân sự của Mỹ hôm 19/8. Giới quan sát nhận định, các bộ tộc này sẽ khiêu khích Mỹ và một khi cuộc chiến xảy ra, họ sẽ bắt tay với Damascus.

Tuy nhiên, một kịch bản như vậy sẽ không được hỗ trợ bởi Nga, nước nhận thức được điểm yếu quân sự của mình ở phía đông bắc Syria, cũng như mức độ hỗ trợ không đủ từ Damascus.

Phía Nga cũng lo ngại rằng leo thang trong khu vực có thể dẫn đến xung đột trực tiếp giữa chính quyền Syria và SDF, lực lượng này sẽ được Mỹ hỗ trợ trực tiếp. Trong tình huống như vậy, Moscow khó có thể giúp được Tổng thống Assad và buộc phải đóng vai quan sát viên, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Điện Kremlin.

Đồng thời, về tổng thể, Nga sẵn sàng khuyến khích mong muốn của các bộ lạc Ả Rập ở phía đông bắc và Đông của Syria tự giải phóng khỏi sự bảo trợ của SDF, nhưng không muốn họ đối đầu trực tiếp với người Kurd và SDF. Moscow chỉ muốn tuyển mộ họ hoạt động dưới sự bảo trợ của mình.

Các kế hoạch của Nga nhằm củng cố vị thế ở đông bắc Syria và tạo ra các đội hình trung thành ở đó có thể được hỗ trợ bởi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, những nước đang tích cực làm việc với các bộ tộc Ả Rập trong khu vực.

Việc triển khai các cấu trúc quân sự thân Nga ở đông bắc Syria có thể tạo ra một "vùng đệm" không có sự hiện diện của Iran, đáp ứng lợi ích của Abu Dhabi và Riyadh.

Kịch bản như vậy cũng sẽ đảm bảo rằng nếu quân đội Mỹ rời khỏi khu vực, nơi đây sẽ không phải do các đội hình thân Iran mà là do các lực lượng Moscow tạo ra và kiểm soát.

Đồng thời, kịch bản đó sẽ chỉ có lợi cho Moscow và khó có thể có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ khi Nga và chính quyền Assad mở rộng quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ do người Kurd thống trị. Chính vì vậy, Ankara sẽ phải đánh đổi lấy vị thế ở đông bắc Syria thông qua một số nhượng bộ cho Nga ở Idlib.

Mặc dù đông bắc Syria nằm trong "bóng đen Idlib", nhưng trên thực tế, đây là một khu vực bất ổn không kém và bất kỳ sự cố nào xảy ra ở đó đều có nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Nga.

Nơi đây có các lực lượng của Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, chính quyền Assad, phe đối lập Syria, người Kurd, các bộ tộc Ả Rập, khủng bố, đảng PKK. Trên tầm khu vực, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ còn mâu thuẫn với lợi ích của Saudi và UAE. Tất cả điều này tạo ra một hỗn hợp nguy hiểm mà ngay cả một tia lửa nhỏ cũng có thể phát nổ.