Bóng đá Việt Nam

Bóng đá Việt Nam và giấc mơ World Cup: Đi mãi cũng thành đường

Việc ĐT nữ Việt Nam lần đầu tiên góp mặt tại World Cup sẽ giúp cho bóng đá Việt Nam có động lực, hoài bão và kinh nghiệm để phát triển hơn trong tương lai gần.

ĐT nữ Việt Nam đã tạo nên một cột mốc mới cho lịch sử bóng đá nước nhà khi có lần đầu tiên góp mặt tại một kỳ World Cup. Đó là một hành trình đầy chông gai của HLV Mai Đức Chung và các học trò tại chiến dịch lần này. Không chỉ giành chiến thắng thuyết phục trước các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tấm vé đến World Cup 2023 là Thái Lan và Đài Bắc Trung Hoa, ĐT nữ Việt Nam còn phải vượt qua được những khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19. Đã có thời điểm tưởng chừng như toàn đội sẽ bị loại vì không đủ lực lượng thi đấu nhưng may mắn đã đứng về phía các cô gái Việt Nam.

Bên cạnh những niềm hân hoan và tự hào, cũng có không ít những CĐV đặt ra câu hỏi về việc “Liệu bao giờ ĐT nam Việt Nam mới lập được thành tích tham dự World Cup như ĐT nữ?”.

Đây quả thực là một câu hỏi khó. Bởi ĐT nam Việt Nam chỉ mới có lần đầu lọt vào đến Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và cơ hội đi tiếp đã đóng sập sau 7 trận đầu tiên toàn thua. Nói cách khác, giấc mơ dự World Cup của ĐT Việt Nam phải chờ đến năm 2026 mới mong trở thành hiện thực. Nhưng mấy ai dám mơ trong khoảng 4 năm ngắn ngủi, ĐT Việt Nam sánh ngang được với các đội hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia,…

Có một thực tế rằng bóng đá đang ngày một phát triển và sự chênh lệch trình độ giữa các khu vực đang ngày một được thu hẹp. Nhưng khoảng cách giữa một khu vực được xem là ‘vùng trũng’ như Đông Nam Á với những đội hàng đầu châu lục không phải ngày một ngày hai là có thể sang lấp. Mọi thứ phải có quá trình và hướng đi đúng đắn.

Sau trận thua trước Nhật Bản tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, HLV Park Hang Seo đã thừa nhận các cầu thủ Việt Nam quen thi đấu với các đối thủ Đông Nam Á và có phần tự ti khi thi đấu với đại diện hàng đầu châu lục. Chiến lược gia người Hàn Quốc còn phân tích kỹ khoảng cách giữa ĐT Việt Nam với đẳng cấp của các đội như Nhật Bản, Australia,… đồng thời lo lắng về thực lực của lứa cầu thủ trẻ tương lai:

“Chúng ta cần đầu tư có hệ thống từ bóng đá trẻ, chứ đưa đội tuyển quốc gia so sánh với nền bóng đá khác thời điểm này thật sự rất khó. Tôi nghĩ VFF cũng đã có kế hoạch cho bóng đá trẻ, chúng ta cần có giai đoạn, định hướng phát triển cụ thể. Tôi ví dụ đơn giản sau 4 năm, chúng ta không có tiền đạo hơn được Anh Đức, Tiến Linh, Đức Chinh.

Nhìn vào đội U22 cũng như V-League, bóng đá Việt Nam không có tiền đạo giỏi. Còn khi nào giải quyết được vấn đề đó thì tôi cảm thấy rất khó nói lúc này. Nếu không được thi đấu thường xuyên ở V-League, năng lực cầu thủ U22 Việt Nam sẽ đi xuống. Sang năm là SEA Games, nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV của chúng ta rất nặng nề. Nếu các cầu thủ không thi đấu, tôi nghĩ năng lực của các cầu thủ khó được tăng lên.”

Từ futsal đến U20 và hiện tại, đến lượt ĐT nữ Việt Nam đã giành vé đến World Cup. Người hâm mộ Việt Nam chỉ còn chờ ĐT nam Việt Nam lập được thành tích này của các đồng nghiệp. Nhưng đó sẽ là thời gian rất dài, thậm chí không quá khi nói hy vọng dự World Cup chỉ đến khi FIFA đồng tăng số đội tham dự giải đấu trong tương lai. Với những nền bóng đá vẫn còn gặp nhiều khó khăn về tài chính nền tảng để phát triển còn hạn chế thì việc nuôi giấc mộng ra World Cup là điều không hề dễ dàng.

Bóng đá Việt Nam đang chứng kiến sự hội nhập một cách chủ động và mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Hiện tại, để ĐT nam chinh phục được giấc mộng World Cup, đòi hỏi rất nhiều về công tác đầu tư cho bóng đá trẻ và chú trọng chuyên nghiệp hóa giải VĐQG, nhằm tạo điều kiện cho các cầu thủ nội có cơ hội được ra sân nhiều hơn. Câu chuyện làm bóng đá từ ‘nóc’ của Việt Nam không phải là vấn đề mới mẻ, nhưng nếu không thay đổi thì sẽ chẳng biết bao giờ ĐT nam Việt Nam mới có thể góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc các ĐTQG liên tiếp có mặt tại sân chơi World Cup sẽ giúp cho bóng đá Việt Nam có động lực, hoài bão và kinh nghiệm để phát triển hơn trong tương lai gần. Như cố nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc) từng khẳng định: “Kì thực trên măt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi mới thành đường thôi.”

Minh Viễn