Thể thao

Bóng đá Việt Nam lại đi vào lối mòn khi khủng hoảng lớp kế cận?

U23 Việt Nam đã khép lại VCK U23 châu Á 2020 không thực sự thành công như mong đợi dù cho đội hình tham dự giải đấu này vừa vô địch SEA Games 30 lần đầu tiên trong lịch sử. Liệu có phải sau hai năm thành công liên tiếp, chúng ta đang thiếu đi những lứa cầu thủ trẻ kế cận thực sự chất lượng?

Sau một kỳ SEA Games thành công với tấm HCV lần đầu tiên trong lịch sử, thầy trò HLV Park Hang-seo bước vào VCK U23 châu Á 2020 với một sự tin và tâm thế hoàn toàn khác khi chúng ta hiện đang là nhà đương kim Á quân của giải đấu này.

Thế nhưng, sau khi vòng bảng khép lại, U23 Việt Nam đã phải dừng bước với kết quả không như mong đợi. Chúng ta hòa hai trận với tỷ số 0-0 trước UAE và Jordan trước khi để thua ở lượt trận cuối cùng trước Triều Tiên với tỷ số 1-2. Khép lại giải đấu này, công tâm mà nói, lứa cầu thủ vừa vô địch SEA Games 30 thực sự chưa tốt bằng những cái tên đã từng làm nên kỳ tích tại Thường Châu (Trung Quốc) hai năm về trước.

Hàng phòng ngự mắc nhiều sai lầm, tuyến tiền vệ không kiểm soát bóng và làm chủ trận đấu tốt, thiếu đi những cá nhân mang tính đột biến trên hàng công dẫn đến việc chúng ta phải dừng bước ngay từ vòng bảng. Phải dừng cuộc chơi sớm với tư cách là nhà đương kim Á quân là điều HLV Park Hang-seo, các cầu thủ cũng như NHM Bóng đá nước nhà không ai mong muốn.

Bóng đá Việt Nam đang thiếu đi lớp cầu thủ trẻ kế cận thực sự chất lượng.

Nhưng đây là nốt trầm quý giá để chúng ta nhìn lại và đúc kết ra những điều gì đã làm được và chưa được để trở lại mạnh mẽ hơn trong tương lai. Có một thực tế mà bóng đá nước nhà phải đối mặt chính là nhưng Quang Hải, Đình Trọng, Tiến Dũng... đã chính thức khép lại giải đấu cuối cùng ở lứa tuổi U23. Vậy nên, ở SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam sắp tới, họ sẽ không thể tham gia nữa.

Thay thế cho họ để đảm nhiệm trọng trách bảo vệ chức vô địch SEA Games tới là những cầu thủ trẻ. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, chúng ta không có được lớp kế cận thực sự nào chất lượng. Điều này không chỉ ảnh hưởng trong một thời gian ngắn mà nó còn kéo dài đến tương lai khi các em chính là niềm hy vọng để thay thế cho các đàn anh trên ĐTQG.

Còn nhớ, ở những giải đấu gần đây, các lứa trẻ của bóng đá nước nhà như U15 hay U18 đều không đạt được thành tích cao. 5 giải đấu gần nhất của cấp độ U15 và U18 ở khu vực, bóng đá Việt Nam chỉ một lần vượt qua vòng bảng. Nếu tính cả kỳ SEA Games 2017 thảm họa, đó là thất bại thứ 6 liên tiếp.

Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần chú trọng đầu tư hơn cho các lứa trẻ. Tạo nhiều điều kiện thi đấu để các em có cơ hội được cọ xát, tích lũy thêm kinh nghiệm. Công tác đào tạo trẻ cũng cần được chú trọng đặc biệt bởi không có gì đảm bảo sau một lứa tài năng trẻ sẽ là một lứa tài năng khác.

Các CLB ở V.League cũng cần tạo thêm điều kiện cho các cầu thủ trẻ có cơ hội được trải nghiệm, thi đấu như những gì mà những Quang Hải, Đức Chinh, Công Phượng hay Xuân Trường đã từng được trải qua. Có như vậy thì chúng ta mới có được những lứa cầu thủ trẻ chất lượng hơn trong tương lai.