Thế giới

"Bom nợ" khổng lồ của Evergrande hé lộ rủi ro tài chính âm ỉ chảy trong lòng Trung Quốc

Những nhà đầu tư từng tin chắc Evergrande là "quá lớn để sụp đổ" giờ băn khoăn rằng phải chăng tập đoàn này đã "quá lớn để cứu"?

Hôm 31/8, đế chế bất động sản China Evergrande Group lần đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ vỡ nợ nếu các vấn đề thanh khoản không được giải quyết. Ngay sau thông báo, lập tức xuất hiện những quan ngại rằng sự sụp đổ của Evergrande gây chấn động thị trường bất động sản Trung Quốc và tạo ra “hiệu ứng domino” làm chao đảo thị trường trái phiếu.

Khoản nợ của Evergrande

Con số 300 tỷ USD nghe có vẻ không thấm vào đâu so với quy mô kinh tế hơn 14.000 tỷ USD của Trung Quốc. Tuy nhiên, khủng hoảng nợ của Evergrande lại được cho là cơn đau đầu nhức nhối nhất đối với giới lãnh đạo Trung Quốc lúc này.

Evergrande từng là một cái tên thống trị trên thị trường bất động sản Trung Quốc, với 778 dự án phủ bóng ở 225 thành phố trên khắp đất nước, có mối liên hệ với vô số ngân hàng, tập đoàn bất động sản khác.

Tập đoàn này nắm trong tay một lượng bất động sản khổng lồ, trong khi ngành địa ốc hiện đã chiếm tới 13% nền kinh tế Trung Quốc, từ mức chỉ 5% vào năm 1995. Nếu chuyện xấu xảy ra, nhiều triệu người Trung Quốc mua nhà của Evergrande cũng sẽ bị ảnh hưởng, gây ra những cú sốc lớn trong hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế tỷ dân này.

Bắc Kinh có khả năng trấn áp những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba hay Tencent, nhưng Evergrande lại thể hiện mối đe dọa về sự ổn định của hệ thống tài chính.

Tỷ phú Hui Ka Yan, Chủ tịch tập đoàn Evergrande. ẢNH: Bloomberg.

Vì đâu nên nỗi?

Được thành lập vào năm 1996, tập đoàn Evergrande từng cho thấy đà tăng trưởng bùng nổ trong những thập kỷ qua nhờ tiến trình đô thị hóa rộng khắp Trung Quốc. Evergrande đã trở thành trung tâm quyền lực của thị trường bất động sản và giúp Chủ tịch Hứa Gia Ấn ghi danh vào top người giàu nhất châu Á trong 4 năm liên tiếp với tổng tài sản thời kỳ hoàng kim là hơn 45 tỷ USD.

Thế nhưng, quãng thời gian nhiều năm phát triển bùng nổ và vay nợ ồ ạt đã phản lại Evergrande. Công ty dần lao dốc nhanh chóng để rồi báo động những tín hiệu cho thấy sự rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" từ cuối năm 2020 .

Nguyên nhân thứ nhất được đánh giá là các cơ quan quản lý Trung Quốc những năm gần đây đã thực hiện hạn chế “thói quen vay mượn liều lĩnh” của các nhà phát triển bất động sản. Điều này buộc Evergrande bắt đầu bán bớt một số đế chế kinh doanh rộng lớn của mình. 

Nguyên nhân thứ hai là do thị trường bất động sản Trung Quốc đang giảm tốc. Theo Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, một tổ chức tư vấn nổi tiếng của Bắc Kinh, tuyên bố vào tháng 9 rằng thị trường bất động sản “đã có dấu hiệu bước ngoặt”, nhu cầu giảm. 

Ngoài ra, tình hình khó khăn của Evergrande càng nghiêm trọng thêm bởi một loạt vấn đề gần đây, bao gồm lệnh của tòa án phong tỏa một trong những tài khoản ngân hàng của Evergrande, giới chức địa phương yêu cầu dừng triển khai một số dự án của tập đoàn. 

Evergrande, vốn kinh doanh dựa vào tiền đặt cọc trước của khách hàng và phát hành thương phiếu cho các nhà thầu, đang vướng phải với số vụ kiện kỷ lục ở các tòa án ở Trung Quốc trong năm nay.

Nỗ lực giải cứu "núi nợ" của Evergrande

Những nhà đầu tư từng tin chắc Evergrande là "quá lớn để sụp đổ" giờ băn khoăn rằng phải chăng tập đoàn này đã "quá lớn để cứu"?

Song, vẫn có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc và bản thân Evergrande đang nỗ lực để không sụp đổ hoàn toàn. 

Evergrande cho biết đã giảm bớt quy mô, bán một số tài sản và các căn hộ để huy động tiền mặt. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, họ đang tích cực đàm phán với các nhà cung cấp và công ty xây dựng để các dự án được tiếp tục.

Evergrande đang vật lộn với khoản nợ 300 tỷ USD. ẢNH: Nikkei Asia

Theo Agnes Wong - nhà phân tích tại BNP Paribas, công ty này có khoảng 80 tỷ USD cổ phần trong các lĩnh vực kinh doanh ngoài bất động sản. Trong năm nay, nhà phát triển này đã huy động được gần 8 tỷ USD, nhờ bán cổ phần trong mảng xe điện, internet, công bất động sản ở Hàng Châu và nền tảng online FCB Group. Nhờ đó, khoản nợ của công ty đã giảm khoảng 20% xuống còn 88 tỷ USD vào cuối tháng 6.

Evergrande đang dự định niêm yết mảng du lịch. Ngoài ra, công ty này còn sở hữu mảng kinh doanh suối nước nóng và dịch vụ y tế. Evergrande cũng đang đàm phán với các đối thủ để bán các dự án bất động sản trên toàn quốc.

Đầu tháng 7, chính quyền tỉnh Quảng Đông, nơi Evergrande đặt trụ sở, đã tổ chức một cuộc họp với lãnh đạo tập đoàn để thảo luận về cách thức xử lý vấn đề nợ nần của tập đoàn.

Vào tháng 8, phó thị trưởng của một thành phố phía bắc Trung Quốc đã thúc giục các doanh nghiệp nhà nước mua cổ phần của Evergrande trong Shengjing Bank (hiện đang nắm giữ 36%).

Khủng hoảng nợ của Evergrande đã làm hiện lên những mảng tối, phá hỏng bức tranh kinh tế tươi sáng phục hồi hậu đại dịch mà Bắc Kinh đang ”trình diễn” gần đây. Các rắc rối do Evergrande gây ra giống như bản nhạc nền khó chịu réo rắt bên tai giới lãnh đạo Trung Quốc, như là lời nhắc nhở rằng những nỗi lo về tài chính đang âm ỉ chảy trong lòng nền kinh tế nước này.

Phạm Thu Thanh (theo New York Times)