Tiêu điểm thế giới

Syria: Bom Israel "nổ rung tai", quân Iran tiêu hao: Nga "vặn sườn" thành công

Không chỉ gây ra thương vong, tổn hại vật chất, các cuộc không kích của Israel ở Syria còn bẻ gãy tinh thần của Iran. Binh sĩ Iran tìm cách đào ngũ, Nga hưởng lợi.

Israel không kích khiến lính Iran dáo dác

Các lực lượng Iran và dân quân đồng minh ở tỉnh Deir ez-Zor, miền Đông Syria gần đây đã thực hiện các hoạt động tái bố trí quân lực và chuyển đổi cứ điểm quân sự nhằm hạn chế tổn thất trong trường hợp Israel không kích.

Hoạt động bao gồm các quá trình chuyển quân đến các địa điểm và trụ sở quân sự mới, cất giấu vũ khí và dỡ bỏ cờ trên nóc các địa điểm quân sự và doanh trại, tăng cường canh gác. Một số đội vũ trang cũng rút lui một phần khỏi các địa điểm đang đóng trong khu vực.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà lực lượng Iran phải đối mặt hiện nay là duy trì sự gắn kết ở Deir ez-Zor sau khi cuộc không kích được cho là của Israel hôm 13/1 đã khiến nhiều thành viên bỏ trốn khỏi trụ sở và các địa điểm quân sự.

"Hàng chục thành viên từ các nhóm quân của Iran từ tỉnh Deir ez-Zor đã rời khỏi địa điểm đóng quân sau các cuộc không kích ngày 13/1, nhiều người trong số họ đã chọn gia nhập Quân đoàn số 5”, nhà báo Firas Allawi của Alsharq News Network, chuyên theo dõi tin tức ở Deir ez-Zor và miền Đông Syria, nói với Al-Monitor.

“Các lực lượng Iran đang tăng cường tuần tra để tìm kiếm những binh sĩ đào tẩu trên khắp tỉnh Deir ez-Zor nhằm hạn chế tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng. Iran đã bắt giữ hàng chục người bỏ trốn và một vài trong đó đã bị buộc tội xúi giục đồng nghiệp đào ngũ”, Allawi nói thêm.

Có vẻ như Nga sẽ được hưởng lợi từ thực trạng này của lực lượng Iran ở Deir ez-Zor. Quân đoàn số 5 do Nga hậu thuẫn đang trở thành điểm đến hàng đầu cho những binh sĩ đào tẩu này. Đây có thể là một cơ hội cho Nga mở rộng lực lượng trong lúc Iran tiêu hao ở tỉnh chiến lược Deir ez-Zor.

Tỉnh này đặc biệt quan trọng đối với Nga do gần biên giới với Iraq và có nguồn tài nguyên ngầm khổng lồ, bao gồm cả dầu mỏ.

Theo các nhà quan sát, có vẻ như Nga đã bắt đầu thực hiện các bước mở rộng ảnh hưởng ở Deir ez-Zor vào cuối năm 2020, tức là trước cuộc không kích ngày 13/1 nhằm vào các vị trí của Iran trong tỉnh.

“Nhiều cuộc không kích hơn nhằm vào lực lượng Iran ở Deir ez-Zor có thể làm suy yếu và dẫn đến sự sụp đổ của lực lượng Iran. Lựa chọn tốt nhất cho các binh sĩ là chuyển sang Quân đoàn số 5”, Allawi lưu ý.

“Lực lượng Iran và các lực lượng dân quân liên kết ở tỉnh Deir ez-Zor cảm thấy sự hiện diện và ảnh hưởng của mình bị đe dọa sau các cuộc không kích gần đây, cũng như các động thái cạnh tranh của Nga”, Sheikh Rami al-Doush, một nhà quan sát ở Deir ez-Zor, nói với Al-Monitor.

Nga hưởng lợi

Nga đang cạnh tranh ảnh hưởng của Iran ở Deir ez-Zor.

Đánh giá về tình hình mới, nhà nghiên cứu Mohammed Adeeb nói với Al-Monitor: “Sự cạnh tranh giữa Iran-Nga ở Deir ez-Zor đang không ngừng leo thang, và việc Nga tận dụng tình trạng khó khăn của Iran là điều đương nhiên sau khi lực lượng khu vực của Iran bị nhắm mục tiêu trực tiếp. Nga cũng được hưởng lợi từ việc dân quân chuyển sang gia nhập”.

“Mối quan hệ Nga-Iran ở Syria dựa trên sự cạnh tranh chứ không phải xung đột và cuộc cạnh tranh này tập trung vào việc thu hút tân binh khi hai bên đứng trong các khu vực chồng chéo ảnh hưởng”, nhà nghiên cứu Bilal Sattouf nói với Al-Monitor.

Cả hai bên đều sử dụng một số công cụ để giải quyết cuộc cạnh tranh này và Nga có thể khai thác các cuộc tấn công của Israel nhằm vào lực lượng dân quân Iran ở miền Đông Syria để thu hút các thành viên dân quân, điều này cho thấy Nga muốn loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Iran khỏi miền Đông Syria.

Nga thực sự đang cố gắng duy trì sự hiện diện của Iran, nhưng chỉ theo cách phục vụ lợi ích và chính sách của mình, Sattouf nhận định.

“Nga có thể muốn cạnh tranh với Iran về một số ảnh hưởng ở Syria vì lợi ích của riêng mình hoặc vì những lý do liên quan đến chính sách của chính quyền mới của Mỹ”, chuyên gia Obadah al-Tamer nói với Al-Monitor.

Trong các cuộc gặp giữa cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào năm 2016, Nga đã được bật đèn xanh để mở rộng hành động ở Syria, với sự đồng ý của Mỹ.

Sau cuộc gặp này là một loạt các sự kiện nhằm cân bằng vai trò của Nga ở Syria. Nếu chính quyền Joe Biden áp dụng tầm nhìn tương tự, Nga có thể cố gắng hạn chế vai trò của Iran ở Syria. Tuy nhiên, Iran có thể cố gắng khai thác tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân để đạt được lợi ích ở Syria, đặc biệt là ở miền trung và miền Đông Syria.