Hồ sơ điều tra

Bồi thường thay hơn 800 triệu, nguyên Phó phòng TN&MT hưởng án treo

Không trực tiếp lập phương án bồi thường mà nhờ người khác thực hiện, nguyên Phó phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) vướng vòng lao lý.

TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Đức Hạnh (SN 1977, trú tại thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), nguyên Phó phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phúc Yên, về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Hạnh giữ nguyên kháng cáo xin được hưởng án treo.

Trình bày lý do kháng cáo, bị cáo Hạnh nói: “Bị cáo còn bố mẹ già, 2 con nhỏ dại, vợ làm trong ngành bưu điện không đủ điều kiện để trang trải nuôi cả gia đình, bị cáo là lao động chính. Bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả số tiền hơn 817 triệu đồng thay ông Phùng Ngọc Khuê (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án này). Trước đó, quá trình công tác bị cáo cũng có nhiều giấy khen, bị cáo tha thiết xin HĐXX cấp phúc thẩm cho bị cáo hưởng án treo, có điều kiện ở bên ngoài chăm sóc bố mẹ, lo cho gia đình”.

Về hành vi phạm tội, bị cáo Hạnh thừa nhận như bản án tòa cấp sơ thẩm quy kết, theo đó: Trong quá trình thực hiện công tác Giải phóng mặt bằng (gọi tắt GPMB) dự án Hồ chứa nước Lập Đình tại xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên (nay là thành phố Phúc Yên) thì Phạm Minh Tuấn (SN 1969) được phân công là Trưởng Ban GPMB thị xã Phúc Yên là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn thị xã.

Theo cáo buộc, UBND thị xã Phúc Yên đã phê duyệt bồi thường, hỗ trợ 10 đợt với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng. Trong đó đã phê duyệt phương án bồi thường, chi trả bồi thường sai quy định tại phương án bồi thường đợt 2, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền gần 3,5 tỷ đồng.

Nhà chức trách xác định, đối với Nguyễn Đức Hạnh là cán bộ thuộc Ban GPMB được phân công lập phương án bồi thường đợt 2 nhưng Hạnh lại không làm hết trách nhiệm của mình như: Không trực tiếp lập phương án bồi thường mà nhờ Đồng Minh Thắng là người không được phân công nhiệm vụ trong việc lập phương án bồi thường thực hiện.

Sau khi anh Thắng lập xong phương án bồi thường, Hạnh không kiểm tra nên không phát hiện được việc anh Thắng lập sai mà ký ngay vào mục người lập biểu tại Biểu tổng hợp phương án bồi thường và trình Phạm Minh Tuấn – Trưởng ban GPMB ký xác nhận và ký tờ trình chuyển phòng Tài nguyên Môi trường thẩm định, dẫn đến thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền gần 3,5 tỷ đồng.

Như vậy, cơ quan tố tụng đủ cơ sở kết luận bị cáo Hạnh phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Với hành vi phạm tội như trên, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã xử phạt bị cáo Phạm Minh Tuấn 2 năm 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Nguyễn Huy Thiện 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng bị cáo Nguyễn Đức Hạnh bị xử phạt 3 năm tù về tội danh trên.

Cho rằng bản thân không hề vụ lợi trong vụ án, bị cáo chỉ là nhân viên dưới quyền của Tuấn nhưng lại chịu mức hình phạt cao nhất, do vậy bị cáo Hạnh nhanh chóng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi cân nhắc diễn biến phiên xử cùng các tài liêu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX của TAND Cấp cao đồng tình với quan điểm của VKSND Cấp cao tại Hà Nội khi cho rằng: Tòa cấp sơ thẩm sắp xếp vai trò của các bị cáo không phù hợp. Trong vụ án, bị cáo Tuấn là người có trách nhiệm chính, sau đó đến bị cáo Thiện; bị cáo Hạnh chỉ có vai trò giúp sức.

Hơn nữa, bị cáo Hạnh không có động cơ vụ lợi trong vụ án, đã khắc phục hậu quả là số tiền hơn 800 triệu đồng thay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo Hạnh ra khỏi đời sống xã hội. Do vậy, HĐXX phúc thẩm quyết định chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hạnh, tuyên bị cáo 3 năm tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo.