Tiêu điểm thế giới

"Bội thực" tin tức thời COVID-19

Trong thời kỳ khủng hoảng, mọi người hiểu sự cần thiết của báo chí chính thống, nhưng lại cảm thấy ngộp thở vì về cơ bản không có gì ngoài những câu chuyện liên quan đến dịch bệnh.

Các cuộc họp báo về COVID-19 tràn ngập trên sóng truyền hình.

Bội thực “tin tức”

Thông báo liên tục báo về điện thoại của bạn. Bản tin đặc biệt và các cuộc tranh luận trên truyền hình liên tục chiếm sóng các chương trình thể thao yêu thích. WhatsApp và Messenger tràn ngập các bài viết về Covid-19. Những người chẳng mấy khi xuất hiện trên mạng xã hội nay cũng ồ ạt chia sẻ những bài viết về dịch bệnh. Đó có lẽ là tình trạng khá quen thuộc đối với nhiều người trong thời gian dịch virus corona hoành hành vừa qua.

Nếu lượng tin tức chúng ta đọc hàng ngày được tính bằng calo, nhiều người có lẽ đã tăng thêm vài cân - thậm chí nhiều hơn - trong những tuần gần đây. Có một sự gia tăng đáng kể lượng tiêu thụ tin tức trên khắp thế giới khi đại dịch xảy ra trên toàn cầu vào tháng 3, theo BBC.

Các đài truyền hình cũng ghi nhận lượt người xem kỷ lục, bao gồm cả sự gia tăng đối với những người xem trẻ tuổi, vốn chẳng mấy khi xem bản tin vào buổi tối. Nhiều người thừa nhận, họ giờ đây còn phải “kiêng” cả xem tin tức vì quá “bội thực”.

Paral Ghosh, một doanh nhân 32 tuổi, nói rằng chúng ta rất dễ bị “lạc” trên internet khi cứ đọc bài báo này lại bị cuốn theo một bài viết khác. Cô thấy mình dán mắt vào các trang web tin tức toàn cầu và các kênh truyền hình nhiều hơn bình thường. Nó khiến cô kiệt sức.

Ở Ấn Độ, gia đình Ghosh đang thực hiện cách ly nghiêm ngặt, trong khi ở Thụy Điển - nơi cô hiện đang sống – lại dễ thở hơn. “Tôi cảm thấy căng thẳng khi liên tục so sánh mọi thứ ở nơi mình sống với những gì xảy ra ở quê nhà”, Ghosh nói. “Tôi lo lắng về cha mẹ già của mình và tự hỏi khi nào mới được về thăm họ”.

Kris Clancy, 33 tuổi, đến từ Victoria, Australia cũng tự nhận mình là một người nghiện tin tức, khi xem rất nhiều chương trình thời sự và theo dõi các nhà báo trên Twitter trong thời gian thất nghiệp, nhưng giờ anh đã thay đổi thói quen của mình.

“Kể từ Covid-19, tôi phải giảm các chương trình xem trong tuần và chỉ liếc qua một vài cuộc họp báo”, anh nói.

Dữ liệu cho thấy Ghosh và Clancy không phải chỉ là trường hợp cá biệt. Một nghiên cứu riêng biệt do Trung tâm nghiên cứu Pew công bố vào cuối tháng 4 cho thấy, khoảng 7 trong 10 người Mỹ nói rằng họ cần “nghỉ ngơi” do có quá nhiều tin tức về virus corona, và 4 trong số 10 người nói rằng họ cảm thấy tồi tệ hơn khi theo dõi tin tức.

Trong khi số lượng khán giả theo dõi tin tức tăng vọt ở nhiều quốc gia, một số nơi lại chứng kiến sự suy giảm.

Ở Anh, các chương trình tin tức ghi nhận số khán giả theo dõi thấp chưa từng có kể từ khi ban hành lệnh phong tỏa, trong khi các chương trình giải trí lại được xem nhiều nhất ở Australia.

Trong thời kỳ khủng hoảng, mọi người hiểu sự cần thiết của báo chí chính thống, nhưng lại cảm thấy ngộp thở vì về cơ bản không có gì ngoài những câu chuyện liên quan đến dịch bệnh.

Cuốn theo những thông tin mới

Có những người cuốn theo tin tức vì lý do nghề nghiệp.

Cũng có một người đang bị cuốn theo tin tức nhiều hơn bình thường vì lý do nghề nghiệp. Các nhà báo, chuyên gia truyền thông, quan chức chính phủ, bác sĩ, nhà khoa học và đặc biệt là các nhà sản xuất chất khử trùng là một trong số những người phải theo dõi sát sao tin tức bình luận, xu hướng và dữ liệu hàng ngày theo cách mà họ chưa từng làm trước đây.

Đối với nhiều người, tình trạng này xảy ra trong khi họ làm việc tại nhà và cố gắng rạch ròi ranh giới mờ giữa công việc và cuộc sống riêng tư.

“Tôi làm báo, có trẻ nhỏ và nuôi chó. Tôi đã có khoảng thời gian mất ngủ vì quá tải tin tức, nhưng tôi không thể thoát khỏi nó vì đặc thù công việc”, Lorraine Allen Derosa, một nhà báo tự do ở Tây Ban Nha, chuyên đưa tin về đại dịch cho truyền thông Mỹ biết.

Giới chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên có sự cân bằng giữa việc dung nạp thông tin vừa đủ và quá tải nếu không muốn tự khiến bản thân mình lo lắng.

Paral Ghosh cho biết, hiện tại đã tránh được “bội thực” tin tức và hệ lụy của nó bằng cách không xem các bản tin trực tuyến hoặc tin tức trên truyền hình, thay vào đó chỉ  cập nhập các thông báo tin tức theo diễn biến chính.

“Tôi cảm thấy có sự chuyển biến đáng kể”, cô cho biết. “Tôi tập trung hơn và năng suất hơn. Cắt giảm tiêu thụ tin tức đã giải phóng thêm thời gian cho những sở thích thư giãn hơn. Tôi đang đọc rất nhiều tiểu thuyết và cố gắng bình thường hóa cuộc của mình”.